Cuộc tập trận "Vostok-2022" năm nay của Nga ở vùng Viễn Đông không phải với quy mô lớn nhất nhưng lại với sự tham gia của nhiều đối tác bên ngoài nhất kể từ trước đến nay. Ngoài Trung Quốc vốn không phải tham dự lần đầu tiên, Vostok-2022 còn có sự tham gia của Belarus, Mông Cổ, Tajikizstan và Ấn Độ. Trung Quốc còn tham gia với nhiều binh chủng quân đội hơn lần trước. Cuộc tập trận này năm bay được bên ngoài đặc biệt chú ý đến bởi Nga đang giao tranh quân sự với Ukraine ở Ukraine và đối địch quyết liệt với Mỹ, NATO và đồng minh. Phe này cung cấp vũ khí và tiền của cho Ukraine để Ukraine chiến tranh với Nga. Trong bối cảnh tình hình chung như thế, sự tham gia tập trận của các đối tác bên ngoài kia phản ánh quan điểm chính sách của họ đối với Nga và về cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Cuộc tập trận vì thế có ý nghĩa và tác động chính trị và dư luận rất đặc biệt.
Phía Nga dùng cuộc tập trận này năm nay để thể hiện tiềm lực quân sự với hàm ý Nga hiện đủ mạnh về quân sự để vừa giải quyết vấn đề Ukraine lại vừa có thể hành động quân sự ở nơi khác trên thế giới khi lợi ích của Nga đòi hỏi. Ẩn ý của Nga cũng còn là bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ, EU, NATO và đồng minh nhằm cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính, Nga vẫn có đồng minh và đối tác quan trọng, vẫn hợp tác được với thế giới bên ngoài cả về quân sự. Sự tham gia tập trận của các đối tác bên ngoài này được phía Nga sử dụng làm bằng chứng về thất bại của Mỹ, EU, NATO và đồng minh trong mưu đồ cô lập Nga và gây khó khăn cho Nga trên mọi phương diện.
Trong số các nước bên ngoài tham gia cuộc tập trận năm nay của Nga, đối với Ấn Độ là nhạy cảm hơn cả. Ấn Độ chủ trương cân bằng giữa Nga và phe kia nên tham gia chỉ với mức độ vừa phải. Nhưng việc Ấn Độ tham gia đã đủ có lợi rất nhiều cho Nga rồi./.
Ngân Hà