Vào thời điểm cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine tiếp tục dai dẳng, chưa biết đến khi nào mới kết thúc và sẽ kết cục như thế nào thì bùng phát đụng độ vũ trang quyết liệt giữa Armenia với Azerbaijan và giữa Kyrgyzstan với Tajikistan. Armenia và Azerbaijan vốn từ lâu nay có chuyện tranh chấp chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Nagorno Karabakh nhưng lần xung đột quân sự này giữa hai bên lại không xảy ra ở vùng lãnh thổ ấy. Sau hai ngày giao tranh vũ trang, hai nước này thỏa thuận ngừng bắn. Tuy cùng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể - mà các thành viên khác là Nga, Belarus, Armenia và Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan tranh chấp biên giới với nhau kể từ khi cả hai trở thành quốc gia độc lập cách đây hơn 30 năm dọc tuyến biên giới chung dài hơn 1.000km. Sau 6 ngày giao tranh, hai bên cũng có được thỏa thuận ngừng bắn.
Cả hai chuyện này đều không đình đám ở châu Âu và trên thế giới như chuyện chiến sự ở Ukraine nhưng không thể không có liên quan gì đến chuyện đang xảy ra ở Ukraine. Khi Nga, Mỹ, EU và NATO đều bị vướng víu và bị kiềm chân vào chuyện ở Ukraine thì các cuộc xung khắc ở nơi khác vốn âm ỉ nay có điều kiện thuận lợi và cơ hội hiếm thấy để bùng phát và leo thang mức độ quyết liệt công khai. Nga gặp khó khăn lớn khi phải đồng thời ứng phó dàn trải ở nhiều nơi. Mỹ, EU và NATO lo ngại cả châu Âu bị ngập chìm trong chiến tranh và xung đột vũ trang từ Ukraine lây lan ra mọi nơi trên châu lục. Phe này và Nga có lợi ích chiến lược như nhau trong việc kiểm soát được diễn biến tình hình. Azerbaijan và Armenia hay Tajikistan và Kyrgyzstan tranh chấp với nhau nhưng đều cần tranh thủ các đối tác bên ngoài kia và không dám bất chấp mọi quan ngại của họ. Cho nên các nước này đã nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn. Dù vậy, các cuộc xung khắc ở vùng ngoại vi này vẫn báo hiệu hệ lụy của cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn phát tác rất rõ ràng và mạnh mẽ tới diễn biến tình hình chính trị an ninh ở châu Âu, đưa lại thêm nhiều rủi ro mới./.
Ngân Hà