Cho tới nay, Triều Tiên đã nhiều lần phóng nhiều loại tên lửa về nhiều hướng khác nhau, trong đó có về hướng Nhật Bản. Nhưng vừa mới đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa khiến Nhật Bản phải báo động để sơ tán dân chúng. Mỹ và Hàn Quốc phản ứng ngay lập tức cũng bằng phóng tên lửa.
Cả hai phía đều nhằm cùng mục đích là thể hiện sức mạnh quân sự, tiềm lực tấn công quân sự và khả năng phòng thủ khi bị tấn công quân sự. Phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân là hai con chủ bài sách lược được phía Triều Tiên coi là đắc dụng nhất. Phóng tên lửa và tập trận chung trên đất liền cũng như trên biển là cách thức ứng phó chủ yếu và thuộc diện những con bài sách lược được Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên sử dụng nhất từ trước cho tới nay ở khu vực Đông Bắc Á.
Hai phe đối địch nhau này còn như nhau ở chỗ sử dụng những con chủ bài và mô thức hành động ấy để răn đe và cảnh báo lẫn nhau, để gây và gia tăng áp lực đối với nhau. Cái khác duy nhất so với cái có thể được coi là thông lệ lâu nay là mới rồi lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa khiến Nhật Bản phải báo động dân chúng sơ tán và phía Mỹ cùng Hàn Quốc ăn miếng trả miếng Triều Tiên mau lẹ chưa từng thấy.
Đấy là sự biểu hiện của leo thang căng thẳng và đối kháng giữa Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nghi kỵ và phòng ngừa lẫn nhau gia tăng, việc giảm căng thẳng để rồi dần hóa giải bất hòa càng thêm khó khăn và xa vời. Những diễn biến đưa lại thực trạng hiện tại này có nguyên do ở sự thay đổi chính quyền ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản làm cho Triều Tiên phải ứng phó với hai điều mới. Thứ nhất, những người cầm quyền mới ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều vừa không dành ưu tiên chính sách cầm quyền như những người tiền nhiệm cho việc xử lý quan hệ của ba nước này với Triều Tiên lại vừa sẵn sàng thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Hệ luỵ là tình hình chính trị an ninh ở nơi này càng căng thẳng và phức tạp thì khả năng Triều Tiên lại tiến hành thử hạt nhân sẽ trở nên càng thêm thực tế./.
Ngân Hà