Việc nhóm OPEC+ tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên vừa qua kể từ đầu năm 2020 quyết định giảm khối lượng xuất khẩu dầu 2 triệu thùng (1 thùng = 159 lít) gây bất ngờ cho dù không hẳn không được dự báo trước. Mỗi khi giá dầu giảm với tốc độ và mức độ nhất định như trong thời gian vừa qua, nhóm này thường quyết định giảm khối lượng xuất khẩu dầu hàng ngày. Nhưng OPEC+ gây bất ngờ khi quyết định giảm xuất khẩu hàng ngày 2 triệu thùng trong khi các dự báo gần như đều cho rằng nhóm này sẽ giảm ít hơn mức ấy rất nhiều. Trong số các thành viên OPEC+ có nhiều nước vốn có quan hệ thân thiện và gắn bó với Mỹ và EU như Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) và các vương triều dầu lửa khác ở vùng Vịnh. Mỹ và EU vận động và thôi thúc các đồng minh và đối tác chiến lược này tăng chứ không giảm mức độ xuất khẩu dầu hàng ngày để giảm giá dầu trên thị trường, bù lấp cho phần Nga không thể xuất khẩu được do bị Mỹ, EU và đồng minh cấm vận và trừng phạt từ sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine, đặc biệt để giá năng lượng không tiếp tục leo thang ở Mỹ và các nước thành viên EU. Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo nhiều nước thành viên EU và NATO ở châu Âu đã cất công tới vùng Vịnh nhằm mục đích này. Vậy mà các thành viên ấy của OPEC+ hành động trái ngược với mong muốn của Mỹ và EU, gây thêm khó khăn và khó xử cho Mỹ và EU.
OPEC là tên gọi của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, được thành lập năm 1960, bao gồm 13 thành viên. Năm 2016, OPEC cùng 10 quốc gia xuất khẩu dầu khác trên thế giới, trong đó có Nga, thành lập nhóm OPEC+ thành khuôn khổ tham vấn và hợp tác mới. Quyết định nói trên của OPEC+ có lợi cho Nga khi làm cho giá dầu tăng và dao động ở mặt bằng giá cao và khi bộc lộ các đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ và EU trong OPEC+ lại nhất trí với Nga, cùng Nga hành động có lợi cho Nga và bất lợi cho Mỹ và EU. OPEC+ cho thấy không những vẫn đóng vai trò rất quyết định tới giá dầu trên thị trường thế giới mà còn có thể tác động mạnh mẽ tới chính trị thế giới và cuộc chiến ở Ukraine./.
Ngân Hà