Trong những ngày vừa qua liên tiếp có 3 động thái với tác động trực tiếp tới diễn biến tình hình chính trị an ninh và triển vọng của hoà bình ở khu vực Trung Đông. Tất cả đều động chạm trực tiếp đến cuộc xung đột dai dẳng lâu nay giữa Israel và Palestine.
Trước tiên là thoả thuận đạt được ở thủ đô Algier của Algeria giữa 16 phe nhóm Palestine, đặc biệt giữa Hamas và Fatah, về hoà giải và tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và Hội đồng dân tộc ở các vùng lãnh thổ của Nhà nước tự trị Palestine. Hoà giải và đoàn kết nội bộ cùng với bầu cử tổng thống và Hội đồng dân tộc (như quốc hội) lần đầu tiên sau hơn 15 năm sẽ tạo thế và lực cần thiết cho Palestine trong việc thôi thúc Israel đi vào đàm phán hoà bình thực chất nhằm hình thành Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ ở khu vực Trung Đông cùng tồn tại trong hoà bình với Nhà nước Israel. Hoà giải và thống nhất được nội bộ thì Palestine sẽ giúp các đối tác bên ngoài lâu nay vẫn hậu thuẫn Nhà nước tự trị Palestine bớt khó xử trong việc tiếp tục và tăng cường sự hậu thuẫn về chính tri, pháp lý cũng như tài chính, đồng thời gia tăng sức ép đối với Israel trong việc đi vào đàm phán hoà bình với Palestine và chấp nhận "Giải pháp haiNhà nước", tức là Nhà nước Israel và Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại trong hoà bình ở Trung Đông.
Tiếp đến là việc chính quyền của tổng thống Joe Biden ở Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. Trong đó có thể thấy được rất rõ Mỹ không còn dành ưu tiên chính sách như trước cho khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cũng như chủ trương để cho các bên trong khu vực tự xử lý các mối quan hệ của họ với nhau. Như thế có nghĩa là xuất hiện tình thế và cục diện mới cho việc xử lý cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine.
Thứ ba là việc Australia đảo ngược quyết định hồi năm 2018 về công nhận vùng phía tây của thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel. Australia tạo tiền lệ có lợi nhiều về chính trị và pháp lý quốc tế cho Palestine./.
Ngân Hà