Việc tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga bị Ukraine tấn công gây hư hại là bằng chứng mới đây nhất về bất cập và kém hiệu quả trong phòng thủ của Nga trước các hoạt động tấn công quân sự đơn lẻ vào căn cứ quân sự của Nga trên bán đảo Crimea và vào hải quân Nga. Nó gây tác động chính trị và tâm lý bất lợi cho Nga. Phía Ukraine cần những hoạt động như thế và kết quả nhất định ở các nơi khác dọc tuyến mặt trận giao tranh với Nga để thuyết phục và thôi thúc Mỹ, EU, NATO và đồng minh tiếp tục trợ giúp Ukraine về chính trị, tài chính và quân sự trong cuộc chiến với Nga.
Phía Nga đã lật lại thế cờ bằng hai bước đi cụ thể là ngừng hiệu lực của thỏa thuận ký kết ngày 22/7 năm nay với Ukraine trong sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về để cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc theo đường vận tải biển và cáo buộc Anh đứng phía sau các hoạt động quân sự kiểu như thế của Ukraine. Ở đây, Nga cáo buộc Anh nhưng phát đi thông điệp cảnh báo và răn đe tới NATO và EU nói chung cũng như tới các thành viên của EU và NATO nói riêng. Ở đây, Nga chủ ý dùng việc lại phong tỏa vận tải hàng hoá đường biển, đặc biệt xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để ngăn cản Ukraine tiếp tục tấn công vào lực lượng hải quân Nga và vào bán đảo Crimea. Hàm ý của Nga còn là nếu Mỹ, EU, NATO và đồng minh muốn giúp Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc thì phe này phải chấm dứt hậu thuẫn Ukraine tấn công Nga dưới mọi hình thức và với mọi mức độ.
Ngoài ra, Nga còn có thể dùng hai bước đi nói trên để tăng thế của Nga với cả LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thoả thuận giữa Nga và Ukraine được cả LHQ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ coi là thành quả ngoại giao lớn. Rõ ràng thông điệp của Nga ở đây là cả khi LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chơi liên quan đến Ukraine thì vẫn là Nga chứ không phải họ đảm trách vai chính, định ra luật chơi và dẫn dắt toàn bộ cuộc chơi. Sau ngày 18/11 tới, thoả thuận nói trên có thể được Nga gia hạn thời gian hiệu lực, nhưng trong thực chất sẽ trở thành thoả thuận khác trước./.
Ngân Hà