Sau khi quyết định tiến tới trong khoảng thời gian ngắn nhất chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga để vừa làm giảm nguồn thu của Nga vừa tránh bị Nga đối phó bằng cách vũ khí hóa xuất khẩu khí đốt của Nga sang thị trường EU, EU nói chung và một số thành viên EU nói riêng tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng khí đốt mới.
EU và những thành viên kia tập trung vào ba nguồn cung ứng khí đốt hóa lỏng bởi không thể nhập khẩu nhiều khí đốt ở dạng khí như vẫn nhập khẩu từ Nga. Ba nguồn này là vùng Vịnh, Mỹ và mấy quốc gia ở Bắc Phi, trong đó vùng Vịnh đóng vai trò quan trọng nhất bởi hai nguồn còn lại không có khối lượng lớn và chi phí vận chuyển rất lớn khiến cho giá mua khí đốt rất cao. Mới đây, mưu tính này của EU gặp trở ngại lớn khi Trung Quốc cũng nhảy vào cuộc ganh đua giành nguồn cung ứng khí đốt trên thế giới cho dù được Nga cung ứng rất nhiều, rất ổn định và với giá mua thuận lợi.
Trường hợp điển hình nhất và thời sự nhất là việc cả Đức và Trung Quốc mua khí đốt của Qatar. EU nói chung và Đức nói riêng cần khí đốt của Qatar để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại trong khi Trung Quốc toan tính chuyện đảm bảo an ninh năng lượng cho lâu dài. Trung Quốc ganh đua với Đức về mua khí đốt ở Qatar gây khó cho Đức và EU mà bất kỳ ai gây khó cho EU trong vấn đề này đều làm lợi cho Nga, bất kỳ với chủ ý hay không với chủ ý hậu thuẫn Nga. Cuộc ganh đua này không hề cân xứng mà ngay từ đầu đã do Trung Quốc chiếm lợi thế. EU nói chung và nước Đức kém thế so với Trung Quốc ở hai điểm.
Thứ nhất, Trung Quốc ký hợp đồng rất lâu dài trong khi EU lại không thể như thế được vì đã chủ trương giảm tiêu dùng khí đốt để đáp ứng mục tiêu đề ra về chống biến đổi khí hậu trái đất. Các nhà cung ứng luôn luôn ưu ái bên nào ký hợp đồng mua bán lâu dài. Thứ hai, Trung Quốc là một quốc gia nên chuyện gì cũng dễ quyết và thực thi hơn EU với 27 thành viên. Sự không tương xứng này không ngăn cản cuộc ganh đua trở nên càng ngày càng quyết liệt./.
Ngân Hà