Chuyến công du vùng Vịnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt kết quả làm Trung Quốc phấn khích bao nhiêu thì có thể khiến Mỹ không hài lòng bấy nhiêu. Không hề quá lời trong thực chất khi Trung Quốc và các vương triều Ả rập ở vùng Vịnh, đặc biệt là Ả rập Xê út, đề cập đến việc mở ra "kỷ nguyên quan hệ hợp tác mới" giữa hai bên.
Suốt nhiều thập kỷ qua, vùng Vịnh vốn là khu vực ảnh hưởng của Mỹ và cách thức quan hệ hợp tác của Mỹ với các đồng minh trong khu vực này là Mỹ đảm bảo an ninh cho họ và đổi lấy sự đảm bảo của họ về cung ứng dầu mỏ và khí đốt cho Mỹ. Bây giờ, các đồng minh này của Mỹ đều cần phải và đều chủ trương "đa dạng hoá" quan hệ đối ngoại cả về chính trị và an ninh lẫn về kinh tế và thương mại. Thế mạnh chính của các nước này là nguồn tài nguyên dồi dào về dầu mỏ và khí đốt mà hiện tại cả dầu mỏ lẫn khí đốt của họ đều là hàng hoá và đối tượng được nhiều đối tác bên ngoài tranh giành. Trong những năm gần đây, Mỹ lại thể hiện rất rõ ràng sự chuyển hướng ưu tiên chiến lược hàng đầu vốn dành cho khu vực này sang các khu vực khác trên thế giới. Trung Quốc nhờ đấy mà có được cơ hội thuận lợi rất hiếm thấy để dễ dàng tiếp cận khu vực, tranh thủ và lôi kéo các đối tác trong khu vực, gây dựng và mở rộng ảnh hưởng ở các nước trong khu vực. Trong chuyện này, Trung Quốc rất thực tế và khôn khéo khi không đặt vấn đề các đối tác ở vùng Vịnh phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc mà tự phát hiện ra giá trị và ý nghĩa đối với họ từ việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Điều khiến Mỹ không thể không quan ngại là Trung Quốc và các đối tác ở vùng Vịnh trong chuyến công du này của ông Tập Cận Bình thể hiện sự thống nhất quan điểm rất cao và quyết tâm hợp tác, liên kết với nhau trên mọi lĩnh vực, kể cả an ninh và quốc phòng, lại còn cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau. Trung Quốc đã chính thức trở thành tác nhân ảnh hưởng mới ở khu vực này./.
Ngân Hà