Hơn một năm rưỡi sau khi được thành lập, liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, viết tắt là AUKUS, đã được cụ thể hóa nội dung và xác định lộ trình tiến triển cho những thập kỷ tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Anh Rishi Sunak và thủ tướng Australia Anthony Albanese đã gặp nhau vào ngày 13/3 vừa qua ở căn cứ hải quân San Diego, bang California của Mỹ để nhất trí về những bước đi tiếp theo.
Độc chiêu với tác động địa chính trị thế giới trong AUKUS là việc giúp cho Australia sở hữu cả tàu ngầm hạt nhân lẫn công nghệ hạt nhân sử dụng trong chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Nhờ đó, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 sở hữu tàu ngầm hạt nhân - sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ. Cũng nhờ vào đó, Mỹ và Anh có thể luân phiên triển khai tàu ngầm hạt nhân ở các hải cảng của Australia. Lộ trình cụ thể đã được ông Biden, ông Sunak và ông Albanese nhất trí với nhau ở cuôc gặp cấp cao vừa rồi là từ năm 2027, Mỹ và Anh có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở hải cảng Perth của Australia, từ năm 2030 thì Australia sẽ mua của Mỹ ba đến năm chiếc tàu ngầm hạt nhân; Anh sẽ chế tạo cho Australia những chiếc tàu ngầm nguyên tử riêng trong thời gian từ nay đến năm 2040 và từ năm 2050 trở đi, Australia tự quyết định việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho mình. Ngoài ra, bộ ba này còn thỏa thuận tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ cao nhằm chinh phục và khai thác đại dương.
Ấn định thời gian và lộ trình cụ thể như thế, bộ ba này muốn khẳng định những mục đích theo đuổi với AUKUS và củng cố quyết tâm hiện thực hóa AUKUS. Họ nhằm có được trước hiệu ứng chính trị và tâm lý của việc Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân trước khi những chiếc đầu tiên được khai sinh. Họ còn muốn làm cho AUKUS trở thành sự đã rồi trên thực tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Độc chiêu mới dần hiện hữu thôi nhưng đã có tác dụng không hề nhỏ./.
Ngân Hà