Cùng chuyện, khác thời

Kịch bản khi xưa giờ khó có thể lặp lại bởi tuy xưa và nay có cùng bản chất chung là ngân hàng bị phá sản nhưng thời nay đã khác thời xưa...

Những ám ảnh quá khứ xem ra cả sau gần 15 năm vẫn còn rất nặng nề khi sự phá sản của một số ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ trong mấy ngày vừa qua khiến liên tưởng gần như ngay lập tức tới cuộc khủng hoảng ngân hàng trên thế giới hồi năm 2008. Các ngân hàng bị khủng hoảng bây giờ như Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic hay Credit Suisse đều thuộc diện các ngân hàng lớn và lừng danh ở Mỹ và Thụy Sỹ. Lo ngại chung trên thế giới trong những ngày này về khả năng lặp lại kịch bản đã xảy ra hồi năm 2008 sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers không phải hoàn toàn không có cơ sở. Hồi ấy, sự sụp đổ của ngân hàng dẫn đến khủng hoảng ngân hàng và tài chính trên thế giới.

Kịch bản khi xưa giờ khó có thể lặp lại bởi tuy xưa và nay có cùng bản chất chung là ngân hàng bị phá sản nhưng thời nay đã khác thời xưa, hệ thống tài chính và ngân hàng trên thế giới ngày nay khác với hệ thống tài chính và ngân hàng trên thế giới thủa trước về tổ chức và khả năng đề kháng khủng hoảng, về kiểm soát và giám sát, về chống đầu cơ và thao túng tiền tệ. Trong thế giới tài chính và ngân hàng xưa nay cũng như cả trong tương tai, ngân hàng sụp đổ hay phá sản, ngân hàng được thành lập mới hay bị mua đi, bán lại vốn là chuyện bình thường. Bài học lớn nhất mà chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ đã rút ra được - và đồng thời cũng còn buộc phải rút ra - từ cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi năm 2008 là phải dùng luật pháp và biện pháp hành chính để tổ chức lại và kiểm soát hệ thống ngân hàng chặt chẽ đến mức không để xảy ra kịch bản một hay một vài ngân hàng phá sản khiến cho cả hệ thống ngân hàng bị sụp đổ. Cho nên trong những ngày vừa qua, các biện pháp ứng phó từ phía chính quyền nhà nước, ngân hàng trung ương và từ chính các ngân hàng tư nhân đã nhanh chóng hành động giải cứu. Vì vậy, thế giới tài chính và ngân hàng hiện tại không bị hỗn loạn như khi xưa./.

Ngân Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận