Với chuyến thăm châu Phi của phó tổng thống Kamala Harris, chính quyền hiện tại ở Mỹ thể hiện sự quan tâm hơn hẳn chính quyền tiền nhiệm tới châu lục này. Trong thời gian hơn hai năm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã 3 lần công du châu Phi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã tới châu Phi, Mỹ tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ với các nước châu Phi và sau bà Harris, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ thăm châu Phi lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Không khó khăn để có thể nhận thấy Mỹ đang nỗ lực thật sự để tranh thủ các quốc gia châu Phi và để đuổi vượt các đối tác bên ngoài khác như Trung Quốc, Nga, EU, Ấn Độ hay Nhật Bản trong chuyện hợp tác với các quốc gia châu Phi, gây dựng và tăng cường vai trò cũng như ảnh hưởng ở châu Phi trên nhiều phương diện. Cuộc đuổi vượt này không mấy dễ dàng gì đối với Mỹ bởi Mỹ đã sao nhãng châu lục trong suốt thời gian khá dài. Mỹ không những chỉ chậm chân hơn so với một số đối tác bên ngoài khác mà cách làm hiện tại của Mỹ trong chuyện chinh phục châu lục chưa thuyết phục được đa số các nước châu Phi tin tưởng và coi là sự lựa chọn đối tác thay thế tốt hơn các đối tác nói trên.
Trung Quốc chinh phục châu lục bằng cách viện trợ tài chính và đầu tư trực tiếp vào các nước châu Phi, "phủ sóng quan hệ" với tất cả các quốc gia châu Phi. Mỹ lại tập trung vào những cụm quốc gia khác nhau. Nga đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác về quân sự và quốc phòng trong khi Trung Quốc dùng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia châu Phi. Còn Mỹ phân định rõ tập trung hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với cụm nước này và ưu tiên hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư với cụm quốc gia khác ở châu Phi. Cách làm này chỉ giúp Mỹ tranh thủ được một số chứ không thể tất cả các quốc gia châu Phi. Muốn đuổi vượt thành công ở châu Phi, chính quyền của ông Biden và bà Harris phải thật sự kiên định thực hiện chiến lược của họ đối với châu Phi./.
Ngân Hà