Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đặt ra nhiều mục tiêu theo đuổi với chuyến đi Trung Quốc lần này. Hoạt động chính trị ngoại giao này giúp EU nói chung và các thành viên EU như Pháp nói riêng duy trì được kênh tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với Trung Quốc ở cả cấp cao nhưng chắc không thể đưa lại kết quả làm hài lòng hai người kia.
Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc hiện tại không hẳn tồi tệ nhưng không thể được coi là êm đẹp. Bất đồng quan điểm về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền vẫn là vướng mắc phức tạp và nhạy cảm nhất đối với hai bên trong mối quan hệ song phương này. Rồi còn vấn đề Đài Loan và chuyện không ít doanh nghiệp lớn của Trung Quốc bị hạn chế, kiểm soát, thậm chí bị cấm hoạt động kinh doanh ở không ít nước thành viên EU. Thêm vào đó, EU còn không hài lòng về việc Trung Quốc không lên án Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, đồng thời rất quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nga bất chấp EU và các nước phương Tây tăng cường đối đầu và trừng phạt Nga. Lo ngại lớn nhất hiện tại của phe này là Trung Quốc cung cấp vũ khí và viện trợ cho Nga.
Bà von der Leyen và ông Macron sẽ đạt được tiến triển nào đấy trong chuyện xung khắc hiện tại giữa hai bên ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Trung Quốc trừng phạt Lithuania sau khi thành viên EU này thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Đài Loan. Phía Trung Quốc không đấu khẩu với hai vị khách đến từ châu Âu về vấn đề tình hình dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc nhưng sẽ không nhượng bộ đáng kể gì. Khách đến thăm cũng sẽ không thuyết phục được chủ nhà thay đổi quan điểm và chính sách đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Mối quan hệ song phương này không được cải thiện thì thật đáng buồn, nhưng không xấu thêm đi cũng đáng để được coi là tích cực./.
Ngân Hà