Thỏa thuận nhằm nhiều mục đích

Thỏa thuận mới này giữa Mỹ và Hàn Quốc không làm cho vấn đề hạt nhân ở khu vực Đông Bắc Á dễ được giải quyết hơn mà sẽ làm cho nó trở nên còn phức tạp hơn.

Một trong số những kết quả được thế giới bên ngoài lưu tâm đến nhiều nhất của chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol là thoả thuận ký kết giữa ông Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tàu ngầm hạt nhân của Mỹ lại cập cảng Hàn Quốc sau hơn 40 năm. Thời chiến tranh lạnh trong thế kỷ trước, tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ thường xuyên cập cảng ở Hàn Quốc. Mỹ thậm chí còn đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Hàn Quốc nhưng đến năm 1991, Mỹ đã triệt thoái hết vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Năm 1992, Hàn Quốc và Triều Tiên ký tuyên bố chung cam kết sẽ không thử nghiệm, sản xuất, tiếp nhận, sở hữu, lưu trữ, triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Từ hơn hai thập kỷ nay, vấn đề hạt nhân nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng lại trở thành chủ đề nội dung thời sự ở khu vực Đông Bắc Á, nan giải và nhạy cảm đối với tất cả các bên liên quan về đối nội và đối ngoại. Thỏa thuận mới này giữa Mỹ và Hàn Quốc không làm cho vấn đề hạt nhân ở khu vực Đông Bắc Á dễ được giải quyết hơn mà sẽ làm cho nó trở nên còn phức tạp hơn.

Mỹ và Hàn Quốc theo đuổi với bước đi mới này nhiều mục đích chứ không chỉ đơn thuần nhằm răn đe và cảnh báo Triều Tiên. Ông Yoon Suk-yeol và ông Biden chủ ý dùng sự hiện diện trở lại của tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ở cảng của Hàn Quốc để thể hiện mức độ tin cậy và gắn bó chặt chẽ trên phương diện đồng minh quân sự chiến lược truyền thống giữa Mỹ và Hàn Quốc, để khẳng định cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc. Thỏa thuận này giúp Mỹ hợp pháp hóa việc tăng cường sự hiện diện quân sự trực tiếp và năng lực sẵn sàng hành động quân sự ở khu vực Đông Bắc Á, qua đó còn nhằm cả tới Trung Quốc và bán đảo Đài Loan. Nó cũng không hoàn toàn biệt lập với việc tàu ngầm hạt nhân của Mỹ được cập cảng Australia và việc Australia được Mỹ và Anh giúp cho có được tàu ngầm hạt nhân. Nó là bộ phận của sự bố trí chiến lược mới của Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.

Ngân Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận