Cuối tuần này, Nhật Bản chủ trì cuộc gặp cấp cao của nhóm G7. Ngoài những thành viên chính thức của nhóm, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã mời lãnh đạo của một số quốc gia khác trên thế giới tham dự. Cuộc gặp cấp cao của nhóm vì thế không còn thuần tuý là chuyện nội bộ riêng của nhóm nữa mà trở thành một sự kiện chính trị thế giới.
Xưa nay, nhóm G7 luôn cố gắng chứng tỏ là khuôn khổ diễn đàn đa phương với đủ khả năng xử lý hết mọi vấn đề thời sự của thế giới. Nhưng rồi theo thời gian, khuôn khổ diễn đàn đa phương này trở nên nặng về danh nghĩa mà nhẹ về thực chất. Những biến động mạnh mẽ và sâu sắc trên thế giới trong thời gian gần đây về mọi phương diện đã tạo cơ hội cho nhóm G7 trở nên như thể được hồi sinh. Nhóm này đã tận dụng cơ hội ấy để gia tăng ảnh hưởng và vai trò trên thế giới.
Chương trình nghị sự cho cuộc gặp cấp cao tới này của nhóm G7 được ông Kishida xây dựng thể hiện rất rõ định hướng ấy. Trên đó, những chuyện chính trị thế giới và chính trị an ninh thế giới chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu: Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine mà đi cùng với chủ đề nội dung này là nhóm G7 thống nhất quan điểm trong nội bộ và phối hợp hành động để tiếp tục hậu thuẫn Ukraine và đối phó Nga sao cho giúp Ukraine thắng và buộc Nga phải thua; là đối phó Trung Quốc và Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc Á, vùng xung quanh Đài Loan và khu vực Biển Đông. Đương nhiên, nhóm G7 và đặc biệt Nhật Bản không bỏ qua việc gây dựng dấu ấn và vai trò trên mọi phương diện trong những gì đang diễn ra quyết định tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Kishida xác định chương trình nghị sự như thế này bởi Nhật Bản có lợi ích thiết thực riêng và chương trình nghị sự ấy bao quát đầy đủ những lợi ích chung của các nước thành viên. Rồi đây thành bại như thế nào là chuyện khác, nhưng hiện tại xem ra nhóm G7 hội tụ được cả địa lợi và nhân hoà để tận dụng thiên thời nhằm đạt được mục tiêu trên./.
Ngân Hà