Nhiều diễn biến dồn dập trong những ngày này làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ không chỉ trở nên bất ngờ sôi động mà còn đặc biệt nổi bật. Đỉnh điểm là chuyến thăm Mỹ tới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Ấn Độ và cố vấn an ninh quốc gia của ông Modi và của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gặp nhau. Ông Austin ký kết với người đồng cấp Ấn Độ thoả thuận mới về tăng cường hợp tác về quân sự và quốc phòng. Hai vị cố vấn an ninh quốc gia biểu lộ sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về Trung Quốc và về các vấn đề chính trị an ninh hiện rất thời sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phía Mỹ công khai dành cho ông Modi và chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Modi sự coi trọng đặc biệt. Mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ được phía Mỹ nâng tầm lên thành một trong những mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Mỹ. Quốc hội Mỹ cho đến nay chỉ mời rất ít chính khách nước ngoài phát biểu trước lưỡng viện lập pháp trong khi ông Modi nhân chuyến đi Mỹ sắp tới sẽ được phát biểu ở đó lần thứ 2 - sau năm 2018. Sự coi trọng của phía Mỹ đối với cá nhân ông Modi càng thêm đặc biệt khi phía Mỹ đã liệt ông Modi vào diện bị cấm nhập cảnh Mỹ.
Có thể nhận thấy được qua đó phía Mỹ hiện muốn tranh thủ Ấn Độ như thế nào. Mỹ và Ấn Độ đều là thành viên của nhóm Bộ Tứ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với Nhật Bản và Australia. Chủ đích của Mỹ rõ ràng là củng cố và nâng tầm "cặp bài trùng Mỹ - Ấn Độ". Thúc đẩy quan hệ hợp tác, gắn kết hai nước và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ đặc biệt hữu dụng cho Mỹ trong việc phân rẽ Ấn Độ với Nga, cạnh tranh với Nga về cung cấp vũ khí cho Ấn Độ và phối hợp hành động với Ấn Độ cùng đối phó Trung Quốc./.
Ngân Hà