Lãnh đạo của 7 quốc gia châu Phi đã tạo tiền lệ ngoại giao khi cùng nhau tới Ukraine và Nga để giới thiệu về sáng kiến ngoại giao 10 điểm của họ nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine bằng giải pháp chính trị hoà bình. Tổng thống của các nước Nam Phi, Ai Cập, Senegal, Uganda, Zambia, Cộng hoà Congo và Comoros đã gặp và trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngay từ đầu, các vị lãnh đạo 7 quốc gia châu Phi nói trên đã gần như không có chút cơ hội thành công nào với sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải này. Đề nghị hoà bình 10 điểm của họ pha trộn yêu cầu và điều kiện của cả phía Ukraine lẫn phía Nga nhưng về cơ bản lại chưa thể đủ để cả hai đều có thể chấp nhận và đồng thời lại chứa những điểm mà cả hai không chấp nhận vì không thể chấp nhận. Cho nên không có gì là khó hiểu khi cả ông Selensky và ông Putin đều hành xử y hệt nhau: họ đều hoan nghênh thiện chí và nỗ lực trung gian hoà giải của các đối tác châu Phi, đều tỏ ra cởi mở với mọi nỗ lực và ý tưởng trung gian hoà giải từ các đối tác bên ngoài, đều đón tiếp các sứ giả trung gian hoà giải rất thịnh tình và chu đáo, nhưng rồi đều công khai từ chối đề nghị hoà bình của họ.
Nguyên nhân nằm ở hai khía cạnh. Thứ nhất, cả Ukraine lẫn Nga hiện đều không thực sự muốn giải quyết cuộc chiến bằng giải pháp chính trị hoà bình mà vẫn đều dành ưu tiên hàng đầu cho quyết tâm chiến thắng bằng biện pháp quân sự. Chừng nào vẫn còn được Mỹ, EU, NATO và đồng minh chống lưng, chừng đó phía Ukraine vẫn còn quyết chí đánh bại Nga trên chiến trường và chừng ấy phía Nga càng phải quyết tâm giành về phần thắng bằng biện pháp quân sự. Thứ hai, đề nghị hoà bình trên không được Nga và Ukraine chấp nhận vì để ngỏ bản chất tương lai đất nước Ukraine sau chiến tranh và quy chế pháp lý cho những vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga hiện đang quản lý và kiểm soát.
Dù không được thành công, sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải này cũng vẫn gây dựng thanh danh cho các quốc gia châu Phi trong chính trị thế giới./.
Ngân Hà