Trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quảng bá rất mạnh mẽ cho đề xuất của mình về kết nạp Liên minh châu Phi (AU) vào nhóm G20. Nhóm này bao gồm 19 nền kinh tế được coi là lớn nhất trên thế giới và EU. Ấn Độ hiện là chủ tịch đương nhiệm luân phiên của nhóm G20 và tận dụng triệt để cương vị này để thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia châu Phi cũng như gắn kết các quốc gia châu Phi với nhóm G20, làm cho nhóm này phải quan tâm nhiều hơn nữa tới châu Phi.
Ông Modi đề cập đúng mong mỏi của các nước châu Phi và qua đó nổi bật lên thành đại diện cho lợi ích của các nước châu Phi ở khuôn khổ diễn dàn nhóm G20. Điều này tạo bầu không khí chính trị và tiền đề cần thiết cho Ấn Độ tranh thủ và chinh phục, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia châu Phi, cạnh tranh chiến lược thuận lợi hơn với các đối tác khác ở châu Phi.
Đề xuất của ông Modi về việc AU tham gia nhóm G20 khiến các nước thành viên của nhóm này khó xử. Tuy trên danh nghĩa, nhóm G20 vẫn là khuôn khổ diễn đàn riêng của những nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới. Trên thực tế thì đã từ khá lâu nay rồi, nhóm này không chỉ bàn thảo về nội dung kinh tế thuần tuý mà còn đã trở thành cả một khuôn khổ diễn đàn về chính trị thế giới. Chẳng phải quan điểm thái độ đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đã làm cho mấy cuộc gặp cấp cao thường niên của nhóm không được thành công mỹ mãn hay sao? Từ giác độ chính trị thế giới mà nhìn nhận thì việc AU tham gia nhóm G20 giờ không những chỉ hợp tình hợp lý mà còn cần thiết nữa.
Nhóm này sẽ không kết nạp AU nhưng ngay cả khi ấy thì Ấn Độ cũng vẫn được lợi. Ngoài ra cũng còn có thể thấy rằng nếu không thức thời để thay đổi thì rồi nhóm G20 sớm muộn cũng sẽ sa sút vai trò và ảnh hưởng trên thế giới./.
Ngân Hà