Trước thềm hội nghị cấp cao thường niên năm nay của NATO, các thành viên liên minh đã nhất trí việc Tổng thư ký đương nhiệm của NATO Jens Stoltenberg tiếp tục tại nhiệm thêm một năm nữa. Đây là lần thứ 2, nhiệm kỳ TTK NATO của ông Stoltenberg được gia hạn. Thật ra, người này đã muốn thôi làm TTK NATO để đảm trách cương vị thống đốc Ngân hàng trung ương Đan Mạch.
Các thành viên NATO lập luận không muốn thay đổi và biến động nhân sự để đảm bảo tính liên tục và ổn định trong bối cảnh tình hình chẳng khác gì "nước sôi, lửa bỏng" hiện tại ở châu Âu đối với NATO. Trong thực chất, NATO chưa tìm được người kế nhiệm ông Stoltenberg. Ứng cử viên thì không thiếu nhưng không ai trong số ấy có thể được tất cả 30 thành viên hiện tại của NATO chấp thuận. Vì thế, việc lại kéo dài nhiệm kỳ TTK NATO của ông Stoltenberg hiện là sự lựa chọn nhân sự duy nhất của NATO, vừa đơn giản nhất vừa ít rủi ro nhất đối với NATO.
Chuyện này có lợi cho NATO nhưng chưa chắc đã có lợi cho ông Stoltenberg. Ông Stoltenberg làm TTK NATO từ năm 2014. Nhờ công lao rất lớn của người này mà NATO yên bình qua được 3 cuộc khủng hoảng lớn là Nga sát nhập Crimea, NATO bị tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi là "chết não" và bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump doạ giải thể. Ông Stoltenberg đóng vai trò rất quyết định trong việc khôi phục sự đoàn kết thống nhất nội bộ, đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động giữa các thành viên NATO để hậu thuẫn Ukraine và đối địch Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Kết cục cuối cùng của cuộc chiến này hiện là một trong những câu hỏi mà thế giới chưa thể trả lời nổi nhưng cho dù câu trả lời rồi đây như thế nào thì cũng gắn liền với ông Stoltenberg. NATO đạt được mục tiêu đề ra thì là thành công chung của NATO. Nhưng nếu NATO thất bại thì trước hết là thất bại của cá nhân vị TTK. NATO trong khó chưa ló sự lựa chọn nhân sự khác trong khi ông Stoltenberg càng tại nhiệm lâu càng thêm rủi ro kết cục sự nghiệp không thuận./.
Ngân Hà