Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chính thức bắt đầu ở Thủ đô Hà Nội
Những nhân vật quan trọng đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên gặp mặt trước Hội nghị
Sáng 26/2, sau hành trình kéo dài hơn 60 giờ đồng hồ từ Bình Nhưỡng, đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un cùng phái đoàn Triều Tiên tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương và báo chí quốc tế.
Lúc 20h54' tối 26/2, chiếc Air Foce One chở Tổng thống Mỹ cũng hạ cánh xuống Nội Bài sau 20 giờ bay. Ngay khi tới Việt Nam, Tổng thống Mỹ đã đăng tải trên Twitter với tâm trạng đầy hào hứng: "Tôi vừa tới Việt Nam. Cảm ơn mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Rất nhiều người và rất nhiều tình yêu".
Ông Kim và ông Trump có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên sau 8 tháng. Khác với cuộc gặp lịch sử đầu tiên tại Singapore tập trung vào việc phá băng để mở đường cho ngoại giao về tiến trình phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ giữa 2 bên, cuộc gặp lần này sẽ hướng tới chi tiết các thỏa thuận cụ thể thay cho tuyên bố chung mơ hồ 2 bên đưa ra vào tháng 6/2018.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp mặt tại khách sạn Metropole vào lúc 18h30 ngày 27/2 (giờ địa phương) và sẽ có cuộc trò chuyện riêng kéo dài 20 phút, Reuters đưa tin. Sau đó, hai lãnh đạo dùng bữa tối trong khoảng một tiếng rưỡi cùng các cố vấn.
Đi cùng ông Trump tới bữa tối là Chánh văn phòng Nhà Trắng John Michael Mulvaney và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Pompeo đã gặp ông Kim Jong-un riêng vài lần khi đến Triều Tiên đàm phán cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.
Trong khi đó, Chủ tịch Triều Tiên được cho là sẽ đi cùng ông Kim Yong Chol, nhà đàm phán chủ chốt với Mỹ, và một người khác chưa rõ là ai. Người này có thể là Kim Yo Jong, em gái của ông.
Các cuộc họp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 28/2 nhưng chương trình nghị sự cho ngày làm việc thứ hai của lãnh đạo Mỹ - Triều chưa được tiết lộ.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều theo lịch trình dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị-ngoại giao lớn nhất kể từ đầu năm 2019 được truyền thông và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Các nhà quan sát, học giả, các nhà ngoại giao nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội và kỳ vọng vào một kết quả đột phá, cụ thể hơn so với Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore.
Một kết quả đang được các bên kỳ vọng đó là hai nước đạt được thoả thuận tích cực về hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, phi hạt nhân hoá hoàn toàn, gỡ bỏ cấm vận và đặt nền tảng cho việc Washington và Bình Nhưỡng tiến đến xây dựng quan hệ ngoại giao chính thức.
Nhân dịp tới Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước chính thức Việt Nam, dự kiến có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Theo lịch trình, Tổng thống Donald Trump cũng có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch vào trưa 27/2. Sau đó, ông sẽ gặp và ăn trưa cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Các kịch bản của Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội
Trong lúc dư luận thế giới bày tỏ kỳ vọng về một thỏa thuận lịch sử có thể được đưa ra sau hội nghị, giới quan sát quốc tế tỏ ra thận trọng hơn và dự đoán nhiều kịch bản xảy ra với cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai này.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun cùng người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol đã có hàng loạt cuộc thảo luận chi tiết để đặt nền móng cho những phiên làm việc của hai lãnh đạo dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội.
Bởi vậy, Viping Narang, phó giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần này sẽ gần như không thể đổ vỡ hoàn toàn "bởi cả ông Trump và ông Kim đều đặt nhiều tâm huyết cho sự kiện".
Một quan chức Nhà Trắng trước đó cho hay cuộc gặp này là kết quả của một quá trình thảo luận nghiêm túc, liên tục giữa Mỹ và Triều Tiên, được khởi động ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. Việc Chủ tịch Kim Jong-un thực hiện hành trình khoảng 4.000km bằng tàu hỏa để tới Việt Nam dự hội nghị cũng cho thấy mong muốn đạt được thành quả trong đàm phán với Mỹ của ông.
Nhưng hội nghị đạt được kết quả như thế nào lại là một câu chuyện khác. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Triều ở Singapore khép lại với một tuyên bố chung khẳng định hai bên thống nhất hướng tới mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, Washington và Bình Nhưỡng lại có cách hiểu khác nhau về khái niệm trên, dẫn tới việc tiến trình đàm phán chưa có nhiều kết quả rõ rệt.
Jung Pak, cựu chuyên gia phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hiện công tác tại Viện Brookings, cho rằng phái đoàn Mỹ sẽ nỗ lực hết mình để hội nghị thành công với việc các phiên thảo luận cấp cao mang đến được những kết quả cụ thể.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho hay nếu Hội nghị Thượng đỉnh lần hai không đạt được bước tiến triển đáng kể nào thì những quan chức với tư tưởng cứng rắn quanh Tổng thống Trump như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sẽ có cớ để gia tăng áp lực thuyết phục ông chủ Nhà Trắng chấm dứt đối thoại và tiếp tục tập trung gây sức ép.
Chuyên gia đánh giá, dù đội ngũ của Trump chuẩn bị cho ông tốt đến đâu, với phong cách đàm phán của mình, Tổng thống Mỹ vẫn có thể khước từ những lời khuyên từ các cố vấn để hành động theo "bản năng" của mình. Một kịch bản như vậy sẽ không được chào đón bởi giới chức ở Washington, những người đã dành hàng thập kỷ cố gắng nghiên cứu về Triều Tiên, cây bút Francesco Fontemagg từ AFP bình luận.
Tuy nhiên, các quan sát viên cũng cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh lần này vẫn có thể tạo ra kết quả tốt đẹp nhất là một thỏa thuận từng bước, có thể kiểm chứng, trong đó Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân. Bước đầu tiên là việc ngừng hoạt động tất cả các bãi thử hạt nhân, tên lửa và phá hủy vài cơ sở trong số chúng, theo Denmark.
Narang đánh giá việc phá hủy khu phức hợp Yongbyon, trung tâm hạt nhân chính của Triều Tiên, sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng.
Nhưng sau cùng, điều kiện cốt lõi Washington phải đạt được là Triều Tiên cần đồng ý để các thanh sát viên quốc tế vào nước này kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa.
Đổi lại, Mỹ có thể mở văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng như một bước đi hướng tới thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ hoặc tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Mục tiêu cấp bách nhất của Chủ tịch Kim Jong-un là xóa bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để Triều Tiên có thể tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nhưng Mỹ đến nay vẫn khẳng định rằng họ sẽ không nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Phát biểu trước các thống đốc Mỹ tại Nhà Trắng ngày 25/2, Tổng thống Trump khẳng định ông không thúc ép Triều Tiên về tiến trình phi hạt nhân hóa, nhưng cũng sẽ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các chuyên gia của trang 38 North cho hay họ không phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đang hoạt động.
Thu Minh (tổng hợp)