Khởi động lại hợp tác châu lục

Cuộc gặp cấp cao này, EU chủ ý khởi động lại mối quan hệ với tổ chức CELAC, công khai thể hiện sự coi trọng các nước ở khu vực này...

Sau 8 năm, EU và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) mới lại có cuộc gặp cấp cao. CELAC được thành lập năm 2010, bao gồm tất cả các nước ở Mỹ Latinh và Caribe, cả thảy 33 thành viên, không có sự tham gia của Mỹ và Canada. EU có 27 thành viên. Cuộc gặp cấp cao này hội tụ 50 trong tổng số 60 quốc gia của châu Âu và châu Mỹ. Vì thế, nó cũng còn được gọi là một cuộc gặp cấp cao giữa 2 châu lục. Trong CELAC có tổ chức Mercosur bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. EU và Mercosur đã hoàn tất đàm phán và ký kết thoả thuận thương mại tự do từ năm 2019 nhưng EU không chịu phê chuẩn để thoả thuận có hiệu lực mà đặt thêm điều kiện liên quan đến chống biến đổi khí hậu trái đất mà phía Mercosur không chấp nhận.

Với cuộc gặp cấp cao này, EU chủ ý khởi động lại mối quan hệ với tổ chức CELAC, công khai thể hiện sự coi trọng các nước ở khu vực này và thuyết phục CELAC cũng như Mercosur đồng ý thành lập khu vực mậu dịch tự do chung với EU, đương nhiên theo những tiêu chí và điều kiện của EU. EU quyến rũ các đối tác xa này bằng cam kết đầu tư 45 tỷ euro vào các dự án trong khu vực cũng như bằng mời chào rất nhiều dự án hợp tác song phương với nhiều quốc gia riêng rẽ trong khu vực.

EU khởi động lại hợp tác giữa hai châu lục vì nhu cầu cạnh tranh thị trường và đối tác với Trung Quốc, vì muốn lôi kéo các quốc gia trong khu vực này vào cùng phe cánh ủng hộ Ukraine và đối địch Nga. Tuy cách xa về địa lý nhưng các thành viên của CELAC càng ngày càng thêm quan trọng đối với EU về cung ứng năng lượng, nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ.

Biểu hiện ra bên ngoài, sự khởi đầu lại này khá suôn sẻ bởi các nước thành viên CELAC cũng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và cả chính trị nữa với EU. Nhưng trong thực chất, hợp tác tiến triển rất chậm chạp mà nguyên do chính là EU vẫn bám giữ vào những điều kiện tiên quyết và chưa thật sự coi trọng tính bình đẳng giữa hai bên trong quan hệ hợp tác./.

Ngân Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận