Hơn ba tháng sau ngày bầu cử quốc hội và sau nhiều ngày hai đảng phái chính trị giành về tỷ lệ phiếu bầu cao nhất là đảng Tiến lên và đảng Pheu Thái nỗ lực thành lập chính phủ liên hiệp, lưỡng viện lập pháp Thái Lan đã bầu chọn ra được thủ tướng mới là ông Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thái. Đầu tiên, hai đảng này hợp tác liên minh với 7 đảng khác để thành lập chính phủ mới nhưng không giành về được đủ 376 phiếu bầu trong tổng số 500 ghế dân biểu hạ viện và 250 thành viên của thượng viện. Rồi đảng Tiến lên tuyên bố không liên minh nữa với đảng Pheu Thai. Cuối cùng, đảng Pheu Thai liên kết với 10 đảng khác và thành lập được chính phủ mới.
Vậy là việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Thái Lan đã thoát khỏi tình trạng bế tắc. Chính phủ mới này chấm dứt thời kỳ cầm quyền của giới quân sự hoặc của phe cánh của giới quân sự kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đến nay. Khi ấy, giới quân sự tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin Shivanatra, thủ lĩnh đảng Pheu Thai. Bây giờ, đảng Pheu Thai trở lại cầm quyền với sự tham gia của hai đảng chính trị của giới quân sự và đã cùng giới quân sự cầm quyền. Hơn nữa, ông Srettha Thavisin được bầu làm thủ tướng mới chỉ vài giờ sau khi ông Thaksin chấm dứt 17 năm tự lưu vong ở nước ngoài trở về nước thụ án 8 năm tù.
Liên minh 11 đảng của ông Srettha Thavisin không có đủ đa số ít nhất 376 phiếu bầu nhưng ông Srettha Thavisin đắc cử nhờ hơn 150 phiếu bầu từ phía thượng viện mà tất cả thành viên của thượng viện đều do giới quân sự chọn lựa. Qua đó có thể thấy đảng Pheu Thai quyết định liên minh với phe cánh của giới quân sự để tránh lặp lại kịch bản năm 2014 và phe cánh giới quân sự quyết định hậu thuẫn chính phủ liên hiệp 11 đảng để vừa tiếp tục nhiếp chính vừa ngăn cản đảng Tiến lên nắm quyền. Cả đảng Pheu Thai và phe cánh giới quân sự liên minh với nhau để tránh tổ chức tổng tuyển cử mới do không thành lập được chính phủ. Họ e ngại rằng đảng Tiến lên sẽ thắng cử vang dội hơn nữa nếu tiến hành tổng tuyển cử mới ở Thái Lan./.
Ngân Hà