Cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 được Ấn Độ trên cương vị chủ tịch đương nhiệm luân phiên của nhóm tổ chức ở thủ đô New Dehli trong ngày 9 và 10/9 tới. Cương vị chủ tịch nhóm này và việc tổ chức sự kiện lớn của nhóm là những cơ hội tuyệt vời rất hiếm khi có được đối với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để gây dựng và đề cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới cho Ấn Độ, đồng thời còn để phục vụ cho cuộc vận động tranh cử hướng đến cuộc bầu cử quốc hội trong mùa xuân tới.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới Ấn Độ tham dự sự kiện là điều có thể dự đoán được trước. Năm ngoái, ông Putin đã không đến Bali (Indonesia) để tham dự cuộc gặp cấp cao của nhóm này. Nguyên do có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nhưng việc cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không tới dự cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm G20 ở Ấn Độ thì lại gây bất ngờ. Nga và Trung Quốc không những chỉ là hai thành viên lớn và quan trọng của nhóm G20 mà còn trong thực chất cũng như trên danh nghĩa thuộc về cùng phe trong nhóm G20.
Sự vắng mặt của ông Putin và ông Tập Cận Bình khiến cho ông Modi khó có được thành công mỹ mãn với việc tổ chức sự kiện lớn này để kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên nhóm G20. Tổng thống Mỹ Joe Biden và EU có được cơ hội độc chiếm diễn đàn G20 ở New Dehli, sẽ tìm mọi cách để tranh thủ các thành viên khác về phe họ và cô lập Nga và Trung Quốc. Nhưng sự phân bè, chia phái trong nhóm G20 sẽ trở nên sâu sắc hơn chứ không thể được khắc phục. Nhiều khả năng cuộc gặp này sẽ không đưa ra được tuyên bố chung như hồi năm ngoái hoặc đưa ra được tuyên bố chung nhưng với nội dung không có gì mới. Cả ông Biden và ông Tập Cận Bình đều không tới Indonesia tham dự các cuộc gặp cấp cao giữa Asean với Mỹ và Trung Quốc nên hai người này sẽ không gặp nhau như đã gặp nhau hồi năm ngoái ở Bali. Nhóm G20 vẫn thế và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn thế./.
Ngân Hà