Mỹ, EU, Ấn Độ, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) vừa tuyên cáo ý định hợp tác cùng xây dựng một hành lang vận tải đường sắt và hàng hải kết nối châu Âu với Ấn Độ và vùng Vịnh, khu vực Trung Đông với nhau. Một số thành viên EU như Đức và Pháp, cả Israel và Jordani cũng ngỏ ý tham gia. Trên danh nghĩa, đấy chỉ là một hành lang vận tải kết nối ba vùng rộng lớn có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị. Trong thực chất, ý tưởng này đi xa hơn gây dựng một hành lang vận tải đường sắt và hàng hải thuần tuý mà còn đi cùng với mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật về hậu cần, công nghệ số, chuỗi cung ứng..., tức là bao trùm mọi tiền đề cần thiết cho tăng trưởng bền vững cho cả khu vực rộng lớn.
Bên cạnh những lợi ích chung về phát triển có được từ dự định lớn này, các bên tham gia còn theo đuổi mục đích kiến tạo một dự án hợp tác và liên kết để cạnh tranh với kế hoạch Con đường tơ lụa mới do Trung Quốc khởi xướng và triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Nhu cầu về đầu tư phát triển ở khắp khu vực Trung Đông, vùng Vịnh, Ấn Độ và châu Âu rất lớn. Tiềm lực tài chính và công nghệ của những bên tham gia xây dựng hành lang vận tải mới này vượt xa tiềm lực của Trung Quốc. Sự lựa chọn thay thế này cho dự án lớn của Trung Quốc vì thế rất thực tế và khả thi, có sức hấp dẫn và quyến rũ rất cao đối với tất cả các quốc gia trong phạm vi khu vực nó bao trùm.
Ý tưởng mới này nếu được thực hiện thành công thì nó sẽ đưa lại tác động cũng rất to lớn về chính trị thế giới. Ý tưởng rất hay nhưng vấn đề ở chỗ những tác giả của nó có thực hiện nó thành công hay không. Cho đến nay, Mỹ và EU đã từng đưa ra một số kế hoạch kết nối phát triển như thế nhưng rồi đều chưa thực hiện đến đầu đến đũa./.
Ngân Hà