Bước ngoặt ở điểm nóng khác

Sau mấy thập kỷ tồn tại, vấn đề Nagorny Karabakh vừa có diễn biến mang tính bước ngoặt quyết định mới.

 

Trong lúc cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine vừa tiếp tục quyết liệt vừa tiếp tục không biết đến khi nào mới có thể kết thúc, vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan trở thành điểm nóng mới về chính trị an ninh, về hoà bình hay chiến tranh. Sau mấy thập kỷ tồn tại, vấn đề Nagorny Karabakh vừa có diễn biến mang tính bước ngoặt quyết định mới. Nhưng điểm nóng này vì thế mà bớt nóng hay vẫn tiếp tục nóng thì lại là chuyện khác.

Bước ngoặt ấy là lực lượng vũ trang người Armenia ở vùng Nagorny Karabakh bị quân đội Nga giải giáp và người Armenia ở vùng lãnh thổ này bắt đầu di tản về Armenia. Azerbaijan quyết tâm giải quyết vấn đề này bằng quân sự trong khi chính phủ Armenia ngày càng thêm công khai không hài lòng về Nga và không còn thật sự tin cậy Nga nữa. Đồng thời còn thấy có những dấu hiệu rõ ràng về việc chính phủ Armenia dần xa lánh Nga và dần nghiêng ngả về phía Mỹ cho dù Nga vẫn còn có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Armenia.

Một ôtô đi qua điểm kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở ngoại ô thị trấn Shusha, vùng ly khai Nagorno-Karabakh ngày 13/11/2020. (Ảnh: AFP)

Tất cả những diễn biến gần đây nhất đều cho thấy có 3 xu hướng vận động của tình hình. Thứ nhất là Azerbaijan hạ quyết tâm giải quyết dứt điểm vấn đề Nagorny Karabakh mà cụ thể là kiểm soát hoàn toàn vùng lãnh thổ này. Suy tính của Azerbaijan là hiện tại Nga không còn đủ khả năng về chính trị và quân sự để bảo vệ vùng Nagorny Karabakh cho Armenia và Mỹ chưa kịp gây dựng cục diện chính trị an ninh mới ở vùng này để ngăn cản Azerbaijan thu phục hoàn toàn vùng Nagorny Karabakh.

Thứ hai là rạn nứt không còn có thể cứu vãn giữa Armenia và Nga. Armenia hiện gần như đã không còn coi Nga là chỗ dựa về an ninh và sự đảm bảo cho việc vùng Nagorny Karabakh không bị Azerbaijan thâu tóm. Thứ ba là sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và EU vào khu vực này. Mỹ và EU đang tận dụng cơ hội và thời cuộc hiện tại để đẩy Nga ra khỏi vùng này.

Cũng vì thế mà Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường gắn kết với nhau. Nga bị đẩy đến trước sự lựa chọn giữa rút khỏi khu vực hoặc phải điều chỉnh chiến lược để xoay chuyển tình thế./.

Ngân Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận