Mỹ và Taliban vừa kết thúc vòng đàm phán hoà bình mới kéo dài 16 ngày. Cả hai phía đều công khai xác nhận là quá trình đàm phán tiến triển rất tích cực và hai bên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Họ đều tỏ ra lạc quan và quyết tâm tiếp tục đàm phán đến khi đạt được thoả thuận cuối cùng mới thôi.
Trên chương trình nghị sự của cuộc đàm phán giữa hai bên có 4 nội dung chính là chống khủng bố mà nội hàm chính là Taliban cam kết không tiến hành hoạt động khủng bố nhằm vào Mỹ và không được để cho bất kỳ lực lượng, tổ chức hay phần tử khủng bố nào trên thế giới lợi dụng để tiến hành khủng bố nhằm vào Mỹ như mạng lưới khủng bố Al-Qeada trước đây, Mỹ và đồng minh rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan, tiến hành đàm phán về hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc giữa các nhóm phái nội bộ Afghanistan và chấm dứt hoàn toàn chiến sự ở Afghanistan.
Đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Taliban cho đến nay được tiến hành ở Qatar - nơi Taliban có văn phòng đại diện và chỉ giữa hai bên chứ không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan. Hai bên tập trung trước hết vào 2 nội dung đầu tiên trong số 4 nội dung nói trên và chỉ bàn thảo riêng với nhau hay với sự tham gia của chính phủ Afghanistan về hai nội dung còn lại sau khi đã đạt được sự nhất trí về hai nội dung đầu. Như thế có thể thấy hai bên cùng nhau hướng tới kết quả chung nhưng lại theo đuổi mục đích khác nhau.
Taliban cần Mỹ và đồng minh rút toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan. Khi ấy, một tình huống mới về chính trị quốc tế cũng như an ninh và quân sự nội bộ sẽ xuất hiện ở Afghanstan và đương nhiên rất có lợi cho Taliban. Khi ấy, cuộc chơi quyền lực ở Afghanistan và chính trị an ninh khu vực sẽ khác trước cơ bản.
Mỹ cần thoả thuận để có thể rút quân ra khỏi Afghanistan trong danh dự, giữ được thể diện và chí ít thì cũng ràng buộc được Taliban vào cam kết không gây bất lợi cho Mỹ. Sau đấy ở xứ này sẽ như thế nào lại là chuyện mới và khác mà Mỹ có thể xử lý theo cách khác.