Hơn hai năm từ sau khi trở lại cầm quyền ở Afghanistan, chính quyền Taliban vẫn không được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận ngoại giao. Chính vì thế, việc mời được 11 nước tới Afghanistan tham dự một hội nghị quốc tế là thành công ngoại giao lớn của chính thể Taliban ở Afghanistan.
Hội nghị này có tên gọi là Sáng kiến hợp tác khu vực của Afghanistan. 11 nước tới tham dự là Ấn Độ, Kazakhstan, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan và Indonesia. Đáng chú ý ở đây là có đông đủ các quốc gia láng giềng của Afghanistan, đa số là các quốc gia Hồi giáo và không có đại diện của bất kỳ quốc gia nào trong khối phương Tây. Đối với chính thể Taliban ở Afghanistan, sự kiện này là bước đi rất quan trọng trong nỗ lực được công nhận ngoại giao trên thế giới và tìm kiếm sự hợp tác cũng như trợ giúp của thế giới bên ngoài để củng cố quyền lực ở Afghanistan.
Đối với các quốc gia nói trên dường như có sự tương đồng về chủ định từng bước xích lại gần chính thể Taliban ở Afghanistan. Cụ thể ở đây là gây dựng quan hệ hợp tác trong khi chính thể này chưa thay đổi về bản chất và chính sách cầm quyền theo hướng có thể nhận về được sự công nhận ngoại giao của thế giới bên ngoài. Họ tìm cách quan hệ hợp tác với chính thể Taliban ở Afghanistan khi chưa thể công nhận ngoại giao chính quyền này.
Họ chấp nhận thực tế như vậy ở Afghanistan vì đều theo đuổi 3 mục tiêu, lợi ích giống nhau. Thứ nhất là chống khủng bố. Mục tiêu và lợi ích an ninh này rất cấp thiết và quan trọng đối với các quốc gia kia. Thứ hai là lợi ích kinh tế và thương mại ở Afghanistan cả cho hiện tại lẫn lâu dài vì nhu cầu phát triển của Afghanistan rất lớn và cho đến nay gần như chưa được đáp ứng. Thứ ba là có chân và có phần, có vai trò và ảnh hưởng trong việc kiến tạo cục diện và trật tự chính trị an ninh mới ở khu vực Nam Á - cuộc chơi mà hiện toàn bộ phe phương Tây chưa thể cùng tham gia./.
Ngân Hà