Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ việc Malaysia và Indonesia kiện Liên minh châu Âu EU khi EU ban hành chủ trương cấm nhập khẩu dầu cọ của hai quốc gia Đông Nam Á này để làm nhiên liệu sinh học. EU cho rằng việc sản xuất và sử dụng dầu cọ để làm nhiên liệu vừa gây biến đổi khí hậu trên trái đất vừa hủy hoại môi trường sinh thái khi đất đai vốn đề trồng cây lương thực bị chuyển đổi sang để trồng cọ.
Indonesia và Malaysia là hai nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ nhiều nhất trên thế giới. Cả hai nước kiện EU không tuân thủ các quy định và nguyên tắc chung của thương mại quốc tế và phân biệt đối xử, thực thi bảo hộ mậu dịch đối với Indonesia và Malaysia.
Trong phán quyết mới đây, WTO mới chỉ đề cập đến khiếu kiện của Malaysia. Dù vậy, đối với kiện tụng của Indonesia thì phán quyết của WTO rồi đây chắc sẽ không khác biệt cơ bản gì nhiều do nội dung khiếu kiện tương tự nhau và cùng nhằm vào một bên bị kiện.
Chỉ có điều ở đây là WTO đưa ra phán quyết nhưng lại không phán xử về vụ việc. WTO cho rằng EU có quyền đưa ra những quy định riêng đối với nhập khẩu hàng hoá khi có quan ngại về ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Nhưng đồng thời WTO cũng lại xác định rằng cách thức soạn thảo và ban hành chính sách liên quan của EU khiến phía Malaysia cảm thấy bị phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại. Như thế có nghĩa là bên nào cũng vô lý và có lý, bên nào cũng thắng và thua ở phán quyết này của WTO.
Phán quyết như thế của WTO được hai bên luận giải và đánh giá theo hai cách khác nhau, nhưng trong thực chất chưa xử lý được rõ ràng và ổn thỏa mối bất đồng này giữa EU và Malaysia. Trong trường hợp Indonesia rồi đây cũng sẽ lại như vậy. Phán quyết này chưa giúp EU và hai nước kia khắc phục được bất đồng trong quan hệ song phương, nhưng buộc hai bên phải tìm cách xử lý bất hòa theo cách song phương chứ không thể tiếp tục dựa vào WTO./.
Ngân Hà