Sau khi định hình được khuôn khổ hợp tác ba bên giữa Mỹ với hai đồng minh quân sự ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, tổng thống Mỹ Joe Biden kiến tạo được khuôn khổ hợp tác tương tự giữa Mỹ với Nhật Bản và Philipines. Ông Biden tổ chức cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Philipines Ferdinand Marcos được ông Biden mời sang Mỹ. Cả Nhật Bản và Philipines đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và cũng đều là những đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ.
Sau khi lên cầm quyền ở Philipines, ông Marcos đã thúc đẩy rất mạnh mẽ quan hệ của Philipines với Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt về quân sự, quốc phòng và an ninh, cũng như thể hiện sự kiên quyết trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Philipines và Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Vừa mới gần đây, ba nước này cùng với Australia lại còn cùng nhau lần đầu tiên tiến hành tập trận hải quân chung, đã thế lại còn ở cách không xa khu vực biển có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philipines.
Cho nên có thể thấy được mục đích chính của việc Mỹ, Nhật Bản và Philipines gây dựng khuôn khổ hợp tác ba bên trước hết là an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và ở khu vực Biển Đông, tức là nhằm ứng phó Trung Quốc, rồi sau đấy mới đến mục tiêu cùng nhau tạo dựng và tăng cường vai trò chính trị và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự ra đời của khuôn khổ hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Philipines không những chỉ thuận theo mà còn bổ sung cho những diễn biến mới cùng định hướng trên là Liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) bắt đầu bàn tính đến việc mở rộng cho Nhật Bản tham gia và ông Kishida lần đầu tiên đề cập đến khả năng Nhật Bản cùng Hàn Quốc và Philipines tạo thành khối mới trong khu vực. Các bên trong ngoài tiếp tục bài binh bố trận cho cuộc chơi lớn ở khu vực nhỏ cũng như trong khu vực lớn./.
Ngân Hà