Cuộc gặp cấp cao lần thứ 21 giữa EU và Trung Quốc kết thúc không với thất bại như lo ngại trước đó mà với kết quả khiến EU có thể hài lòng. Nhìn vào nội dung bản tuyên bố chung của sự kiện này có thể thấy Trung Quốc vào phút chót đã có nhượng bộ rất rõ cho EU. Trong lịch sử mối quan hệ song phương này đến nay rất hiếm khi thấy EU kiên trì ép Trung Quốc nhượng bộ và Trung Quốc chịu nhượng bộ EU đến như thế. Theo đó, Trung Quốc đáp ứng yêu cầu và điều kiện của EU về mở cửa thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp của EU và không bắt buộc các doanh nghiệp của EU phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
EU đã tận dụng tình thế khó khăn hiện tại của Trung Quốc để ép Trung Quốc phải chấp nhận những yêu cầu và điều kiện nói trên. Trung Quốc hiện khó khăn và khó xử bởi bị Mỹ tấn công trực diện và toàn diện bằng cuộc xung khắc thương mại và cạnh tranh chiến lược. Trong số những yêu cầu và đòi hỏi mà Mỹ đang ép Trung Quốc phải chấp nhận cũng có yêu cầu chẳng khác gì điều kiện là Trung Quốc mở cửa thị trường và không bắt buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Trung Quốc nhượng bộ Mỹ trên những phương diện này thì không thể không nhượng bộ tương tự cho EU. EU biết rằng hiện tại Trung Quốc cần liên thủ với EU để cùng đối phó Mỹ và phải phân hoá EU với Mỹ chứ không để cho EU liên minh với Mỹ cùng đấu Trung Quốc.
Tình thế buộc Trung Quốc phải thoả hiệp với EU ở lần gặp cấp cao này. Nhưng thoả hiệp ấy cũng mới chỉ mang tính tình thế chứ chưa hẳn thật sự đã cơ bản bởi biểu hiện ra bên ngoài thì rất mới mẻ nhưng trong thực chất vẫn chỉ là những cam kết chung chung và việc thực hiện cụ thể lại là chuyện khác. Ở đây, Trung Quốc nhằm vào cái EU hiện muốn có được nhất từ phía Trung Quốc là giúp EU giữ thể diện. Cuộc gặp cấp cao không bị coi là thất bại. Nhưng nó có giúp EU giải quyết được những vấn đề đặt ra trong quan hệ với Trung Quốc hay không thì đến cả EU ở trong cuộc cũng không dám chắc.