Với chuyến thăm ở Pháp, Serbia và Hungari, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau 5 năm mới lại một lần công du châu Âu. Trong khoảng thời gian 5 năm ấy, chính trị thế giới và quan hệ quốc tế đã thay đổi rất cơ bản và mạnh mẽ mà mọi thay đổi đều tác động trực tiếp và sâu rộng tới Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga tiến triển rất tốt đẹp trong khi mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và EU lại thêm nhiều trắc trở và nghi kỵ, căng thẳng và đối đầu.
Cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine kéo theo cuộc đối địch không khoan nhượng giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và các đồng minh khác của phe này. Vì có mối quan hệ hợp tác rất tốt đẹp với Nga trên gần như mọi phương diện, Trung Quốc gặp khó xử nhất định nhưng vì chính cuộc chiến tranh ở Ukraine mà Trung Quốc có được vị thế gia tăng trong quan hệ với Mỹ và EU. Lý do ở chỗ Mỹ và EU có nhu cầu cấp thiết và lợi ích thiết thực với việc ngăn cản Trung Quốc không hậu thuẫn Nga về chính trị cũng như quân sự để Nga chiến tranh với Ukraine và để Nga có thể giảm thiểu tác động bất lợi của những biện pháp chính sách của Mỹ, EU và đồng minh trừng phạt Nga từ sau khi bùng phát cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nói theo cách khác, thế sự và thời cuộc hiện tại như thế có lợi cho Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ và EU.
Ông Tập Cận Bình còn có thể phát huy được lợi thế ấy với chuyến thăm 3 nước nói trên. Serbia vốn có quan hệ tốt với cả Nga và Trung Quốc, lại có vướng mắc phức tạp và nhạy cảm với EU và NATO. Hungari là một thành viên khá cá biệt của NATO và EU, hay kéo bè kết cánh gây phân rẽ nội bộ EU và NATO, công khai bất đồng với EU về Nga và Trung Quốc. Pháp lại bất đồng quan điểm với Mỹ về Trung Quốc và muốn dẫn dắt EU độc lập hơn với Mỹ. Ông Tập Cận Bình tranh thủ ba nước này để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhưng qua đó còn có thể gia tăng được đáng kể vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ và EU./.
Ngân Hà