Sau 7 đợt bầu cử kéo dài trong thời gian 6 tuần liền, cuộc bầu cử quốc hội ở Ấn Độ đã kết thúc. Ngay từ trước khi nó kết thúc, thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi thuộc đảng BJP đã công khai tuyên cáo thắng cử. Đảng BJP và ông Modi đã thắng lớn trong hai cuộc bầu cử quốc hội trước đấy ở Ấn Độ vào năm 2014 và 2019, cầm quyền hai nhiệm kỳ quốc hội liền. Năm 2019, người này thậm chí còn lôi kéo cả một đảng nhỏ nữa vào Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) để có được đa số gần hai phần ba trong quốc hội. Trước ông Modi, trong lịch sử Ấn Độ chỉ có thủ tướng Nehru thắng cử ba lần liền liên tiếp.
Theo kết quả bầu cử sơ bộ đã được công bố ở Ấn Độ, ông Modi đã thắng cử và có thể tiếp tục cầm quyền. Nhưng thắng lại không hẳn thắng và thậm chí trong đó lại có cả thất bại. Ông Modi công khai đề ra mục tiêu cho đảng BJP giành được về ít nhất 370 ghế trong quốc hội bao gồm 542 ghế dân biểu - ranh giới đa số là 272 ghế - thì giờ chỉ có được hơn 240 ghế, kém xa so với ở cuộc bầu cử quốc hội năm 2019 (305 ghế). Liên minh NDA hiện chỉ giành được 285 ghế trong khi ở cuộc bầu cử quốc hội năm 2019 là 353 ghế. Đảng BJP và ông Modi thậm chí còn không bảo vệ được đa số cho riêng đảng này trong quốc hội và bây giờ bắt buộc phải duy trò liên minh NDA để có thể tiếp tục cầm quyền.
Thắng càng không được lớn thì thất bại càng thêm nặng. Phe đối lập trỗi dậy mạnh mẽ đến bất ngờ. Ông Modi và phe cánh tiếp tục cầm quyền nhưng rõ ràng hào quang của thời trước đã bắt đầu phai nhạt rõ rệt. Tỷ lệ thất nghiệp cao, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo cũng như bất bình đẳng trong xã hội gia tăng, chính sách Hindu hoá chính trường và xã hội Ấn Độ khiến cho nội bộ đất nước này bị phân hoá thêm sâu sắc, cách thức cầm quyền của ông Modi bị coi là độc đoán... đều là những nguyên nhân khiến người này phải nếm trải thất bại trong chiến thắng./.
Ngân Hà