Ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm nay, liên minh các đảng phái và phe cánh chính trị đã lãnh đạo EU trong 5 năm qua giờ vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những trọng trách quyền lực trong EU như trước. Nhưng có hai điều rất khác trước mà EU không thể tránh khỏi trong nhiệm kỳ nghị viện 5 năm tới. Nguyên do là sự trỗi dậy và thắng thế của các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở nhiều quốc gia thành viên EU đã làm xáo trộn cục diện quyền lực trong EP và ảnh hưởng trực tiếp tới định hướng chính sách và hoạt động của EU. Phe cánh này lớn mạnh làm cho không ít đảng phái chính trị lớn khác bị mất phiếu bầu, trong đó có các Đảng Xanh ở rất nhiều quốc gia thành viên EU.
Điều thứ nhất sẽ khác trước là cả EP lẫn EU đều sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn trước trong vận hành và chèo lái EU và EP ở nhiệm kỳ sắp bắt đầu. Việc tìm kiếm đồng thuận quan điểm để có được đa số cao đủ mức cần thiết trong EP cho toàn bộ quá trình lập pháp sẽ là thách thức rất lớn và không dễ vượt qua được đối với EU và EP. EU dịch chuyển từ trung tâm về phía cánh hữu tác động trực tiếp tới chiều hướng biến động tình hình chính trị - xã hội ở các quốc gia thành viên EU. Việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau thất cử nặng nề ở cuộc bầu cử EP này buộc phải tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn là bằng chứng thời sự nhất. Nếu như rồi đây cuộc bầu cử quốc hội Pháp lặp lại kết quả cuộc bầu cử EP thì ông Macron chắc sẽ phải từ chức.
Điều thứ hai sẽ khác trước là EU buộc phải điều chỉnh khá cơ bản hoặc thay đổi đường lối chính sách về nhiều vấn đề cấp thiết hiện tại. Công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất sẽ trì trệ. Chính sách tỵ nạn và di cư sẽ phải thắt chặt hơn. Tự do hoá thương mại sẽ gặp cản trở và việc hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga sẽ khó có thể được duy trì như lâu nay. Tất cả đều bộc lộ những dự cảm chẳng tốt lành gì đối với tương lai của EU và EP./.
Ngân Hà