Với sự tham dự của đại diện hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế với tên gọi chính thức "Hội nghị hoà bình cho Ukraine" diễn ra ở Thuỵ Sỹ - do Thuỵ Sỹ và Ukraine đồng chủ trì - được coi là sự kiện chính trị, ngoại giao lớn. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị này lại không tương xứng với tên gọi của nó khi chưa đưa lại hoà bình cho Ukraine và cũng chưa mở ra được triển vọng tới đây có thể nhanh chóng có được giải pháp chính trị hoà bình giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Hội nghị kết thúc với một bản tuyên bố chung nhưng không phải tất cả các bên tham dự hội nghị đều ký vào bản tuyên bố chung này. Cái kết cục ấy đã được báo trước và chẳng khác gì như thể đã được lập trình sẵn. Nguyên do là Thuỵ Sỹ và Ukraine không mời Nga tham dự trong khi ai ai cũng thừa hiểu Nga đóng vai trò quyết định nhất đối với việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine và sẽ chẳng có giải pháp chính trị hoà bình nào cho cuộc chiến này có được tính khả thi cần thiết nếu không được Nga chấp nhận.
Ngay trước khi hội nghị này khai mạc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những điều kiện của Nga cho việc Nga chấm dứt chiến sự ở Ukraine và đi vào đàm phán hoà bình với Ukraine. Tất cả những điều kiện này đều đã bị Ukraine và đồng minh ngay lập tức bác bỏ. Quan điểm của phe này được thể hiện trong bản tuyên bố chung của hội nghị. Như thế thì làm sao hội nghị vừa qua ở Thuỵ Sỹ có thể đưa lại giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc cũng không tham dự hội nghị dù được mời. Tổng thống Mỹ Joe Biden coi trọng việc quyên góp tiền cho vận động tranh cử tổng thống hơn là đến Thuỵ Sỹ để ủng hộ Ukraine. Lại còn chuyện không có quốc gia nào xung phong đăng ký tổ chức hội nghị lần tới.
Qua đó có thể còn thấy được hai điều là Ukraine không tăng cường được sự hậu thuẫn từ thế giới bên ngoài và hội nghị này với cách thức tiến hành như vừa rồi không phải là khuôn khổ diễn đàn có khả năng thực tế đưa lại giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraine./.
Ngân Hà