Mỹ, EU, NATO và Ukraine còn chưa nguôi ngoai nỗi hậm hực về việc thủ tướng Hungary Viktor Orban, hiện là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của EU, tự ý tới Nga và Trung Quốc thì không thể không hậm hực tiếp về việc thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thăm Nga. Cả ông Orban và ông Modi đều gặp gỡ và hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin. Không có gì là khó hiểu khi những sự kiện ngoại giao song phương này có lợi rất đáng kể cho ông Putin.
Trong tình cảnh hiện tại của Nga ở châu Âu liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, những chuyến thăm như thế đều là thành công lớn của Nga về đối ngoại và chính trị thế giới. Chuyến đi Nga của ông Orban phản ánh sự bất đồng quan điểm trong nội bộ EU và NATO về Ukraine và Nga, đặc biệt về tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề Ukraine. Chuyến thăm Nga của ông Modi còn có tác động tích cực hơn nữa đối với Nga vì Ấn Độ vốn có mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp với Nga, là thành viên của nhóm G20, nhóm BRICS, tổ chức SCO, cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia lập thành Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đặc biệt Ấn Độ được coi là một trong những quốc gia lãnh đạo Khối phương Nam toàn cầu. Nói theo cách khác, Ấn Độ thuộc diện những đối tác trên thế giới mà các đối thủ hiện tại của ông Putin muốn đặc biệt tranh thủ và lôi kéo. Giống như ông Orban, ông Modi còn có mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Putin.
Thời thế làm cho đối tác thêm giá trị. Ông Putin tận lợi được nhiều từ chuyến đi Nga của ông Orban và ông Modi. Nhưng đồng thời hai người này cũng đề cao được vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới của họ khi sử dụng mối quan hệ song phương giữa Hungary và Ấn Độ với Nga cũng như mối quan hệ cá nhân của họ với ông Putin làm một con chủ bài phục vụ cho những lợi ích thiết thực về đối nội cũng như đối ngoại. Khi cùng có lợi thì lợi ích giúp quan hệ thêm bền chặt./.
Ngân Hà