Với cuộc gặp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sau 8 năm mới lại có cuộc gặp cấp cao giữa hai nước trong cùng khu vực Đông Bắc Á này. Nga và Triều Tiên là láng giềng của nhau, có đường biên giới chung và vốn có mối quan hệ hợp tác truyền thống. Bối cảnh tình hình mới ở khu vực với nhiều diễn biến bất ngờ trong thời gian vừa qua đã làm cho mối quan hệ láng giềng này có được giá trị mới đối với cả hai bên.
Đương nhiên là ông Putin và ông Kim Jong-un sẽ bàn với nhau về chuyện quan hệ hợp tác song phương. Những lợi ích từ đó hiện rất thiết thực và đáng kể nên mối quan hệ hợp tác này sẽ được hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ. Càng ràng buộc được Nga vào lợi ích hợp tác chung thì Triều Tiên càng có thể dựa cậy vào Nga để đối phó với những biện pháp chính sách của Mỹ. Càng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Triều Tiên, Nga càng có điều kiện thuận lợi để tác động hoặc tham gia hay đóng vai trò cùng quyết định trong tiến trình hoà bình và hoà giải đang diễn ra giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc. Triều Tiên có thể dùng Nga làm đối trọng cho quan hệ của Triều Tiên với cả Mỹ lẫn Trung Quốc và các đối tác trong khu vực. Nga có thể thông qua quan hệ hợp tác với Triều Tiên buộc các đối tác kia phải lưu ý đến lợi ích của Nga và phải để cho Nga có vai trò trong quá trình xử lý mọi chuyện liên quan đến Triều Tiên ở khu vực.
Với cuộc gặp ở Vladivostock, ông Putin muốn báo hiệu là Nga sẽ có ảnh hưởng đáng kể hơn tới những gì đang diễn ra về chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á trong khi ông Kim Jong-un muốn phân hoá Nga với Mỹ và các đối tác khác, tranh thủ sự hậu thuẫn không kém phần quan trọng của Nga cho mọi kịch bản tới đây có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á. Hai bên không liên minh hay liên kết mà chỉ tăng cường hợp tác để cùng tận dụng giá trị mới của láng giềng gần.