Sau thượng viện, hạ viện Anh với đa số áp đảo đã bác bỏ thoả thuận mà chính phủ nước này đã đạt được với EU về xử lý mọi khía cạnh liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Thủ tướng Anh Theresa May lại bị thất bại trong nỗ lực thuyết phục các vị dân biểu trong lưỡng viện lập pháp chấp nhận thoả thuận nói trên. Cả hai thất bại này của bà May đều như thể được lập trình từ trước đó bởi mọi dấu hiệu và kết quả thăm dò dư luận đều cho thấy bà thủ tướng không thể có được sự ủng hộ của đa số cần thiết trong nội bộ Đảng bảo thủ cầm quyền, trong chính phủ liên danh với Đảng Liên bang dân chủ (DUP) ở Scottland và trong quốc hội. Cũng chính vì thế mà ở cả trong lẫn bên ngoài nước Anh đều đổ lỗi cho bà May đã đẩy nước Anh vào tình trạng hỗn loạn hiện tại trên phương diện thực thi Brexit.
Có thể bà May đã sai lầm nhưng cũng có thể người phụ nữ này không có đủ khả năng và bản lĩnh để tạo nên được sự đồng thuận sâu rộng cần thiết trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội về kết quả đàm phán với EU xử lý chuyện Brexit. Chính trường và xã hội nước Anh đã bị phân hoá rất sâu sắc bởi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 mà bà May trong quá trình thực hiện Brexit đã lại làm cho sự phân hoá ấy trở nên sâu sắc thêm chứ không khắc phục được nó, làm cho nước Anh bây giờ tiến không được mà lùi cũng không xong trong chuyện Brexit.
Ở phía sau tình trạng hỗn loạn hiện tại ở Anh là sự bế tắc ý tưởng giải pháp. Thoả thuận với EU bị quốc hội bác bỏ nên bà May giờ chỉ còn sự lựa chọn là phải có được thoả thuận mới với EU nhưng cả bà May lẫn EU đều không muốn đàm phán lại. Phe đối lập đã có kế hoạch tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May. Phe cầm quyền chắc không để bà May bị truất quyền chứ không tìm người thay thế bà May. Vì thế, khả năng nước Anh ra khỏi EU vào ngày 29/3 tới mà không đạt được thoả thuận nào với EU giờ trở nên rất thực tế. Bà May chịu thất bại đau đớn bao nhiêu thì kết cục này cũng đáng buồn và thất vọng bấy nhiêu đối với EU.