NATO vừa thay thế nhân sự ở cương vị tổng thư ký. Cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chính thức nhậm chức, kế nhiệm ông Jens Stoltenberg (người Na Uy). Ông Stoltenberg đã đảm trách cương vị đứng đầu NATO trong hơn 10 năm.
Thời ông Stoltenberg làm TTK NATO là thời kỳ NATO bị thách thức thật sự ghê gớm nhất kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ trước. Vào thời điểm hiện tại, những thách thức ấy về cơ bản vẫn tồn tại đối với NATO. Nổi bật nhất trong số ấy là cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, sự đổ vỡ hoặc chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa của các cơ chế, thể chế và cấu trúc an ninh tập thể trên châu lục, hậu thuẫn của NATO dành cho Nga và sự đối địch giữa Nga và NATO, quan hệ hợp tác của NATO với Mỹ, NATO ứng phó những thách thức chính trị và an ninh từ phía Trung Quốc, NATO nhằm vươn tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...
Như thế có nghĩa là những vấn đề và thách thức đặt ra cho người mới của NATO vốn không có gì mới. Trong bối cảnh tình hình chung như thế, ông Rutte được chọn lựa làm TTK mới thật ra bởi ba nguyên do chính. Thứ nhất, ông Rutte là thuộc diện chính khách trong khối các nước thành viên NATO ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất và đối địch Nga hăng hái nhất và quyết liệt nhất. Người này làm TTK NATO thì không những chỉ có quan điểm chính sách lâu nay của NATO đối với Ukraine mà còn cả đối với Nga vẫn được tiếp tục, thậm chí còn được triển khai thực hiện quyết liệt và triệt để hơn. Thứ hai, ông Rutte thuộc diện ít vị lãnh đạo quốc gia ở châu Âu được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nể vì và biết cách xử lý quan hệ với ông Trump. Với việc đưa ông Rutte vào cương vị TTK, NATO chuẩn bị cho quan hệ với Mỹ ở thời kỳ ông Trump có thể trở lại cầm quyền ở Mỹ. Thứ ba, ông Rutte vừa là ứng cử viên TTK NATO dễ được các thành viên thoả hiệp chấp nhận hơn những ứng cử viên khác vừa có được danh tiếng nổi trội hơn hẳn trên chính trường thế giới. NATO có tân quan nhưng không thấy dấu hiệu của tân chính sách./.
Ngân Hà