Gần như ngay sau khi bị Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với các dòng sản phẩm rượu cô nhắc (Cognac) của EU xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phía EU đã đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đấy là bước đi đầu tiên mang tính thủ tục cần thiết để rồi đây EU có thể chính thức khởi kiện Trung Quốc tại các cấp toà án của WTO nếu EU quyết định khởi kiện Trung Quốc ở WTO. EU cho rằng Trung Quốc áp thuế quan bảo hộ thương mại này nhằm trả đũa EU sau khi EU quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với các loại xe điện của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường EU.
Lập luận này của EU không hẳn không có cơ sở khi đối tượng Trung Quốc nhằm tới với đòn trả đũa trên chủ yếu là các loại rượu cô nhắc của Pháp. Pháp là thành viên EU hăng hái nhất trong việc EU áp thuế bảo hộ thương mại đối với các loại xe điện của Trung Quốc. Đòn này của Trung Quốc khiến Pháp không thể không đặc biệt đau đớn vì xuất khẩu rượu cô nhắc của Pháp sang Trung Quốc chiếm 99% toàn bộ xuất khẩu rượu cô nhắc của Pháp, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái là 1,7 tỷ USD. EU phải vội vã đưa biện pháp chính sách mới nói trên của Trung Quốc ra WTO để kịp thời cảnh báo và răn đe Trung Quốc để Trung Quốc không những chỉ ngừng thực thi biện pháp áp thuế nói trên mà còn cả không thực hiện chủ định áp thuế tương tự đối với sản phẩm thịt lợn và xe ô tô phân khối lớn của EU xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Dựa cậy vào WTO như thế chắc chắn không phải là biện pháp ứng phó duy nhất của EU. WTO thường cần rất nhiều thời gian để phân định tranh chấp và xung khắc thương mại giữa các thành viên. Một vòng xoáy bất hòa thương mại mới giữa EU và Trung Quốc đang định hình bởi EU không thể không đáp trả Trung Quốc và Trung Quốc sau đó cũng không thể không lại trả đũa EU. Quan hệ thương mại giữa hai bên trắc trở như thế thì mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc nói chung hiện tại và cả trong thời gian tới làm sao có thể tốt đẹp được./.
Ngân Hà