Ở Syria, cuộc nội chiến kéo dài từ 13 năm nay giữa những lực lượng vũ trang chống chính phủ và chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad đã kết thúc bằng việc lực lượng Hay'at Tahrir al-Scham (HTS) lật đổ chính thể của ông Assad. Người này đã sang tỵ nạn ở Nga. Cái kết này đến thật bất ngờ. Diễn biến đưa lại cái kết ấy thật chóng vánh khi chỉ kéo dài có hơn 10 ngày.
Không có sự hậu thuẫn và can dự quân sự trực tiếp của Nga và Iran, quân đội chính phủ Syria nói riêng và toàn bộ chính thể của ông Assad nói chung đều không phải là đối thủ quân sự của phe phái vũ trang chống chính phủ ở Syria. Không có sự đồng hành của Nga, một mình Iran cũng không cứu được chính thể của ông Assad ở Syria. Biến cố hiện tại ở Syria làm phá sản những toan tính và bố trí chiến lược của hai nước này ở Syria, khiến cho vị thế và ảnh hưởng của họ ở khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh bị suy giảm rất đáng kể. Lực lượng HTS được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và nuôi dưỡng trong suốt thời gian qua nên việc HTS giờ thành lập chính phủ cầm quyền ở Syria là thắng lợi của Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ giành về được nhiều nhất, được lợi nhiều nhất từ biến cố mới này ở Syria. Với HTS ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời đạt được 3 mục đích là đẩy người Curd ra cách xa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hồi hương hàng triệu người Syria hiện tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy lùi ảnh hưởng của các đối tác bên ngoài ở Syria.
Mỹ và Israel không thể không quan ngại về sự hình thành khoảng trống quyền lực ở Syria sẽ giúp Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi sinh, các lực lượng khủng bố và thù địch Israel trỗi dậy. Vì thế, Mỹ và Israel tấn công dữ dội vào các mục tiêu ở bên trong Syria. Mỹ nhằm vào tàn binh của IS trong khi Israel triệt phá tiềm lực quân sự của chính quyền của ông Assad, củng cố phòng vệ cao nguyên Golan và chiếm lãnh thổ của Syria để tạo vùng đệm an ninh trên lãnh thổ Syria. Cho nên ở đất nước này sẽ vẫn còn bom rơi, đạn nổ, còn nội chiến và là chiến trường đối với bên ngoài. Cho nên cục diện chính trị an ninh ở khu vực đã và sẽ còn tiếp tục biến động./.
Ngân Hà