Nga và Nhật Bản đàm phán hiệp ước hòa bình: Chuyển biến mới tích cực

Đáng chú ý trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Nhật Bản là chuyển biến tích cực việc đàm phán về hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

 

Đáng chú ý hơn cả trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Nhật Bản là việc ông Putin và ông Abe khởi động tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Chuyến thăm Nga lần này của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi đầu một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ giữa hai nước này, không chỉ vì mùa hè này, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đáp lễ thăm chính thức Nhật Bản.

Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai mà Nga và Nhật Bản vẫn chưa có được với nhau hiệp ước hòa bình. Không phải vì thế mà mối quan hệ song phương này tồi tệ hay chẳng phát triển gì, nhưng rõ ràng là trên danh nghĩa chính thức vẫn chưa thể được coi là bình thường. Có được hiệp ước hòa bình thì đương nhiên hai bên có được tiền đề thuận lợi hơn nhiều để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác song phương. Nhu cầu này có ở cả hai bên, không phải mãi đến tận bây giờ mới thấy mà đã từ lâu. Cũng không phải hai bên từ đó đến nay, đặc biệt trong những năm gần đây, không thực sự mong muốn có với nhau hiệp ước hoà bình ấy. Vướng mắc ở chỗ giữa hai bên tồn tại dai dẳng cuộc tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril hiện do Nga quản lý trên thực tế. Cho tới nay, sự bất đồng quan điểm giữa hai bên xoay quanh cách tiếp cận giải pháp: Nhật Bản đòi phải xử lý ổn thỏa cuộc tranh chấp này mà đương nhiên chỉ có giải pháp là Nga giao cho Nhật Bản 4 hòn đảo ấy thì Nhật Bản mới đồng ý ký kết hiệp ước hoà bình với Nga. Trong khi đó, Nga lại muốn ký kết hiệp ước hòa bình trước và dùng hiệp ước hòa bình làm cơ sở để hai bên giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Nga không bất chấp quan điểm và yêu cầu của Nhật Bản về chủ quyền đối với 4 hòn đảo này nhưng không sẵn sàng đổi 4 hòn đảo ấy để lấy về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Một trong những động thái đáng chú ý nhất ở chuyện này là tuyên bố chung năm 1956 giữa Liên Xô và Nhật Bản. Điểm 9 trong tuyên bố ấy có nội dung là Liên Xô đồng ý chuyển giao cho Nhật Bản hai hòn đảo trong khuôn khổ hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Tuyên bố chung này về sau không được hai bên thực hiện bởi Nhật Bản đầu năm 1960 ký kết hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ và Mỹ ngăn cản Nhật Bản đàm phán, ký kết hiệp ước hoà bình với Liên Xô cũng như dùng Nhật Bản để chống Liên Xô. Mãi cho tới tận năm ngoái, khi gặp nhau tại Singapore, ông Putin và ông Abe nhất trí với nhau là thúc đẩy đàm phán về hiệp ước hòa bình trên cơ sở bản tuyên bố chung năm 1956 nói trên.

Với chuyến thăm Nga lần này của ông Abe, có thể nói là Nga và Nhật Bản lại một lần nữa chính thức khởi động tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình. Cả hai phía đều thể hiện quyết tâm và thiện chí. Điều kiện chính trị ở hai nước và trên thế giới hiện tại cũng thuận lợi chứ không bất lợi cho tiến trình đàm phán này. Ông Putin và ông Abe cũng đã có được mối quan hệ cá nhân khá gắn bó với nhau. Chẳng gì thì hai người cũng đã gặp nhau 25 lần trong 6 năm qua. Nhưng cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này thật rất nan giải, rất nhạy cảm về mọi phương diện và thậm chí lại còn có thể rất nguy hại về đối nội đối với cả ông Abe lẫn ông Putin. Sẽ không có chuyện phía Nga buông bỏ lãnh thổ để đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản và cũng sẽ không có chuyện phía Nhật Bản từ bỏ yêu cầu đòi hỏi kia. Nếu hai bên cứ duy trì cách tiếp cận như lâu nay thì rồi có đàm phán dài dài cũng sẽ không thể cùng nhau đi tới được hiệp ước hòa bình. Trong bối cảnh tình hình ấy và trước triển vọng như thế, chỉ riêng việc hai bên hạ quyết tâm khởi động lại và thúc đẩy tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình là chuyển biến mới tích cực và rất đáng khích lệ. Vì thế, chuyến thăm Nga lần này của ông Abe dẫu không thành công thì cũng không hẳn vô nghĩa và vô ích.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận