Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thực chất đã phát động cuộc thập tự chinh nhằm vào tập đoàn viễn thông công nghệ cao Huawei của Trung Quốc với sắc lệnh bắt buộc các công ty của Mỹ phải xin phép chính phủ trước khi hợp tác kinh doanh với một số công ty của Trung Quốc, trong đó có và đặc biệt là Huawei. Ông Trump viện dẫn lo ngại về an ninh quốc gia đối với Mỹ khi các công ty Mỹ sử dụng sản phẩm và công nghệ của Trung Quốc, cụ thể là lo ngại về nguy cơ bị hoạt động gián điệp và phá hoại.
Lo ngại này của phía Mỹ không phải mới và được không ít đồng minh của Mỹ chia sẻ. Nhưng vì Mỹ và Trung Quốc hiện mắc mớ với nhau chưa có lối thoát trong cuộc xung khắc thương mại nên sắc lệnh kia của ông Trump chẳng khác gì đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất hoà và gay cấn hiện tại giữa hai nước. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã trắc trở và phức tạp bởi chuyện xung khắc thương mại thì giờ trở nên còn rắc rối và khó được bình thường hơn trước rất nhiều.
Động thái mới nói trên của ông Trump tưởng độc lập với những chuyện thời sự khác trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng ở tác động thì lại liên quan mật thiết với nhau. Nó vừa là biểu hiện mới vừa là nấc thang quyết liệt mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Qua đó có thể thấy phía Mỹ quyết ngăn cản Trung Quốc thành công với kế hoạch "Made in China 2025" đồng thời thực thi phương cách gia tăng áp lực tối đa nhằm buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc rồi đây sẽ cùng nhau đi vào thoả hiệp về thương mại. Nhưng trước mắt thì xung khắc còn tiếp tục leo thang bởi Trung Quốc sẽ đáp trả và đối phó chứ không ngồi im chịu những cú đòn tấn công của Mỹ, vì phải bảo tồn thể diện và uy danh, đồng thời vì biết rằng nếu không đáp trả Mỹ thích hợp và thích đáng thì phía Mỹ còn sẽ lấn tới nữa cũng như Mỹ chỉ chịu lùi và nhượng bộ khi bản thân thấm đòn và trả giá đắt.