Bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức ở thành phố Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 này sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sự kiện này cuốn hút mối quan tâm của cả thế giới bởi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này hiện có nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết và mọi giải pháp đều không chỉ chi phối tương lai của cặp quan hệ ấy mà còn có tác động mạnh mẽ tới kinh tế, thương mại và cả chính trị thế giới.
Các sự kiện quốc tế như hội nghị cấp cao thường niên này của nhóm G20 ở Osaka thường là cơ hội rất thuận lợi để các thành viên của nhóm xử lý chuyện quan hệ song phương giữa họ với nhau. Năm ngoái ở Argentina, ông Trump và ông Tập Cận Bình đã như thế. Chỉ có điều là gặp nhau ở bên lề những sự kiện quốc tế như thế vẫn không thể thay thế được những cuộc gặp cấp cao song phương chính thức và thực thụ và sự kiện quốc tế dù tầm cỡ đến mấy cũng vẫn không thích hợp cho các thành viên tham gia thương thảo và đạt được thoả thuận lớn mang tính nguyên tắc cơ bản hay khai thông đột phá.
Một khi đã thoả thuận gặp nhau, ông Tập Cận Bình và ông Trump sẽ không tạm biệt nhau với hai bàn tay trắng mà chắc chắn sẽ với kết quả nào đấy. Nhiều khả năng hai người này sẽ lại đạt được một thỏa thuận mang tính nguyên tắc và định hướng, kiểu như thỏa thuận của họ năm ngoái ở Argentina. Tức là Mỹ và Trung Quốc sẽ lại tiếp tục đàm phán với nhau trong hạn định thời gian nào đấy không thể dài nhưng cũng không đến nỗi quá ngắn. Sẽ lại có những cam kết chính trị mới từ cả hai phía về quyết tâm khắc phục mọi vướng mắc. Sẽ lại có những mỹ từ đề cao cá nhân lẫn nhau và tán dương mối quan hệ song phương. Sẽ lại có lời hẹn gặp nhau trong thời gian tới. Thoả thuận như thế giúp giảm căng thẳng và quyết liệt trong cuộc xung khắc hiện tại nhưng chưa thể để đảm bảo được là xung khắc sẽ được khắc phục trong thời gian tới.