Sau những hành động và phát ngôn của phía Mỹ liên quan đến thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) và quan hệ của Mỹ với Iran nói chung cũng như sau khi các bên khác tham gia ký kết JCPOA không đảm bảo được là lợi ích của Iran không bị tổn hại nếu Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA thì việc Iran dần ngừng thực hiện thoả thuận này không gây bất ngờ. Căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang, cuộc khẩu chiến giữa hai bên càng thêm quyết liệt.
Nếu hành động theo sự chi phối của tình cảm thì chắc chắn hai bên không ngần ngại gì xô đẩy nhau còn đi xa hơn nữa theo chiều hướng này cho tới khi một trong hai bên nhượng bộ trước hoặc thậm chí đến tình trạng "già néo đứt dây". Nhưng trên thực tế hiện vẫn thấy cả hai phía đều vẫn dùng lý trí khống chế tình cảm và về cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình. Cả hai bên đều ý thức được rằng để xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh thì sẽ vô cùng nguy hại đối với cả hai bên, đều đặt ra giới hạn cho mình và dò thử để biết giới hạn của phía bên kia.
Đồng thời với việc leo thang đối địch lẫn nhau, cả hai phía đều luôn quả quyết không chủ ý tiến hành chiến tranh và sẵn sàng đàm phán với nhau, chỉ có điều là cũng luôn tỏ ra sẵn sàng chiến tranh nếu bị gây chiến cũng như để ngỏ khả năng đàm phán trong khi biết rằng bên này không thể chấp nhận được lời mời chào đàm phán của bên kia. Mỹ hiện tại khiến gợi nhớ đến cách thức họ xử lý quan hệ với Triều Tiên trước khi hai nước này khởi động tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải, tức là có thể xoay chiều, đảo hướng và chuyển thái cực rất nhanh.
Iran tuy tiếp tục thực hiện tuyên bố dần ngừng tuân thủ JCPOA nhưng trên thực tế chưa rút khỏi thoả thuận này và vẫn để ngỏ mọi khả năng cùng các bên khác ký kết cứu vãn thoả thuận này, dùng nó để cô lập Mỹ và đẩy lùi nguy cơ bùng phát chiến tranh ở vùng Vịnh.
Ở cả hai phía, hiện tại lý trí vẫn quyết định. Nhưng rủi ro vẫn là lý trí còn có thể chế ngự tình cảm được bao lâu nữa.