Với quyết định hủy bỏ những quyền tự trị sâu rộng áp dụng kể từ khi nhà nước Ấn Độ được thành lập năm 1947 đến nay cho vùng Jammu và Kashmir, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đảng BJP cầm quyền thực hiện một trong những mục tiêu chính trị được đề ra từ lâu. Ông Modi cho tổ chức lại hai vùng này thành hai bang mới bình đẳng hoàn toàn về pháp lý với những bang khác của Ấn Độ. Cả hai thuộc vùng lãnh thổ Kashmir vốn bị tranh chấp chủ quyền bởi Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Cũng vì thế mà quyết định mới nói trên của ông Modi đã làm thay đổi thực trạng pháp lý lâu nay ở khu vực Kashmir và tạo ra tình huống mới ở nơi này, ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan, kèm theo những hệ lụy về chính trị xã hội, an ninh và ổn định, tôn giáo và sắc tộc thách thức thật sự bản lĩnh và khả năng lãnh đạo của ông Modi và đảng BJP trong thời gian tới.
Đối với chính phủ Ấn Độ, khu vực Kashmir không chỉ có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và Ấn Độ mà còn có vấn đề người theo đạo Hồi chiếm đa số ở nơi đây. Cũng vì khía cạnh tôn giáo sắc tộc này mà hiến pháp Ấn Độ có quy định riêng về quyền tự trị sâu rộng cho vùng Jammu và Kashmir. Việc chính phủ Ấn Độ sắp xếp lại hai khu vực này về pháp lý và hành chính sẽ làm cho chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở nơi đây thêm phức tạp và nan giải.
Ông Modi và đảng BJP thực hiện bước đi này vào thời điểm hiện tại bởi vừa thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội, củng cố được nền tảng và vị thế cầm quyền. Ông Modi và đảng BJP nhằm tới việc đảm bảo an ninh và chống khủng bố, ngăn chặn vùng này ly khai và không để cho Trung Quốc và Pakistan gia tăng ảnh hưởng, đồng thời tạo sự đã rồi để củng cố và tăng cường thế và lực cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với hai nước láng giềng kia ở nơi đây.
Ngân Hà