Khi tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 tổ chức ở Biarritz (Pháp), tổng thống Mỹ Donald Trump đã lại khiến dư luận chú ý với những phát ngôn liên quan đến thực trạng quan hệ hiện tại của Mỹ với Trung Quốc và Iran.
Về Trung Quốc, ông Trump bất ngờ tỏ ra lạc quan về triển vọng của tiến trình đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên. Mặc dù ngay trước đó thôi, Mỹ và Trung Quốc còn ăn miếng trả miếng nhau rất quyết liệt nhưng giờ ông Trump lại tin tưởng rằng hai bên sẽ nhanh chóng đạt được với nhau thoả thuận thương mại lớn.
Về Iran, sau khi bộ trưởng ngoại giao Iran Javad Zarif được tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời đến Biarritz, ông Trump tuyên bố sẵn sàng gặp tổng thống Iran Hassan Rohani. Ông Trump cho biết ông Macron đã tham vấn ông Trump về việc này như thể thực hiện một hoạt động ngoại giao trung gian hoà giải. Cả hai điều ấy đều tạo cảm nhận là mối quan hệ giữa Mỹ và Iran hiện đang có được cơ hội giảm căng thẳng và đối đầu, thậm chí còn có thể được cả bình thường hoá nữa.
Trên thực tế, cả hai việc mà ông Trump đề cập đến đều không dễ dàng khả thi chút nào. Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán thương mại trong tháng 9 tới như đã thoả thuận với nhau. Nhưng hiện chưa có gì để đảm bảo và chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ đạt được thoả thuận cuối cùng ở vòng đàm phán này và thoả thuận hai bên đạt được sẽ lâu bền chứ không phải chỉ nhất thời, là giải pháp dứt điểm cho cuộc xung khắc chứ không chỉ là giải pháp tình thế. Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai nước này làm sao có thể ngã ngũ trên bàn đàm phán.
Ông Trump sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran nhưng sau những gì ông Trump đã làm với Iran thời gian qua thì làm gì có chuyện phía Iran chịu đàm phán vô điều kiện với Mỹ. Ông Trump lại đâu chịu đáp ứng điều kiện tiên quyết của Iran để gặp lãnh đạo Iran. Ông Trump vận dụng phương cách như đã làm với Triều Tiên trong khi Iran khác biệt cơ bản so với Triều Tiên. Cho nên cả chuyện này trên thực tế cũng không dễ như nói.