Phán quyết của toà án tối cao ở Anh đã gây nên trận địa chính về pháp lý và chính trị quyền lực mới trên đảo quốc. Tòa này đi đến nhận thức và kết luận rằng việc tân thủ tướng Anh Boris Johnson thông qua Nữ hoàng Anh Elizabeth II. buộc Quốc hội ngừng hoạt động trong thời gian 5 tuần ngay trước thời hạn cuối cùng giải quyết chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) là trái với luật pháp hiện hành. Hệ lụy trước hết của phán xử này là quốc hội Anh có thể hoạt động trở lại ngay lập tức và lại có thể đóng vai trò cùng quyết định trong việc xử lý Brexit.
Không cần phải diễn giải nhiều cũng đã thấy rằng phán xử như thế của tòa án tối cao ở Anh là thất bại rất nặng nề và tác động vô cùng tai hại đối với ông Johnson. Người này cầm quyền trên đảo quốc chưa được đầy 2 tháng thì đã 3 lần bị thất bại trong quốc hội và giờ bị cú phản đòn mới từ phía toà án tối cao. Bên cạnh đó, phán xử này của toà án tối cao ở Anh còn củng cố quan điểm cho rằng ông Johnson đã cố tình lừa dối Nữ hoàng Eluzabeth II. khi thuyết phục Nữ hoàng Anh chấp nhận việc đóng cửa quốc hội trong thời gian 5 tuần. Cho nên cũng không có gì là khó hiểu khi sức ép buộc ông Johnson phải từ chức đang ngày càng thêm gia tăng ở Anh.
Người mới lại thêm lần thất bại và vì thế chuyện Brexit rồi đây sẽ như thế nào càng thêm bất định ở Anh. Ông Johnson chủ trương Brexit bằng mọi giá vào ngày 31/10 tới trong khi quốc hội Anh muốn Brexit với thoả thuận mới giữa EU và Anh về Brexit hoặc đề nghị EU gia hạn thêm thời gian thực hiện Brexit đến ngày 31/1/2020. Ông Johnson giờ bị sa vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tất cả những kịch bản cho Brexit có thể thấy được trong lý thuyết hiện giờ đều xuất hiện trên thực tế: Brexit không với thoả thuận giữa EU và Anh vào ngày 31/10 tới, thời gian xử lý Brexit được gia hạn, ông Johnson từ chức, lại tổng tuyển cử mới trước thời hạn hay lại tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit mà kịch bản nào cũng đều rất bất lợi cho ông Johnson.