Đối với Mỹ, vấn đề được quan tâm nhất và dành cho ưu tiên cao nhất là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Triều Tiên tập trung chủ yếu và trước hết vào yêu cầu Mỹ chấm dứt những biện pháp trừng phạt, ngừng tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Một khi những vấn đề này được giải quyết thì các bên liên quan có thể chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên danh nghĩa vẫn tồn tại từ năm 1953 đến nay ở bán đảo Triều Tiên.
Việc nối lại hòa đàm giữa hai bên là bước chuyển với ý nghĩa rất tích cực và đáng khích lệ. Tiến trình đàm phán hoà bình và hòa giải trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên đã được khởi động từ năm ngoái và đã có những thời kỳ tiến triển rất mạnh mẽ và tích cực, nhưng bị chững lại trong thời gian vừa qua. Ai cũng biết rằng việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt những vấn đề cụ thể nói trên, rất khó khăn chứ không dễ dàng, thậm chí trong chừng mực nhất định còn phải nói là chưa khả thi vào thời điểm hiện tại. Nhưng cũng chính vì thế mà việc duy trì đàm phán trực tiếp lại càng thêm quan trọng. Chỉ duy trì tiến trình thì nó mới không bị đảo ngược và bảo tồn được cơ hội tiến triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, lần tới khởi động tiến trình đàm phán này giữa hai nước lại bị ảnh hưởng không nhỏ bởi việc Triều Tiên vừa phóng vật thể bay rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Người ta có thể thấy được từ đó chủ ý của Triều Tiên là gây áp lực với Mỹ, thể hiện quan điểm của Triều Tiên muốn thôi thúc Mỹ đạt được thoả thuận cụ thể và thực chất nào đấy ở lần đàm phán này chứ không phải đàm phán chỉ để được tiếng là tiếp tục đàm phán và duy trì tiến trình. Chủ ý này của Triều Tiên không có gì là khó hiểu. Tuy nhiên vụ phóng vật thể bay này không thể không phủ bóng đen xuống vòng đàm phán sắp diễn ra.