Mỹ và Iran vừa xô đẩy nhau vào vòng xoáy đối đầu mới với việc Mỹ mở rộng phạm vi áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran và phía Iran thực hiện giai đoạn 4 trong lộ trình khôi phục hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Điều đáng chú ý là hai bên có những động thái này khi nguy cơ bùng phát trên thực địa ở vùng Vịnh đụng độ quân sự trực tiếp hay chiến tranh giữa họ với nhau đã giảm đi đáng kể so với ở thời kỳ trước đấy.
Iran càng đi xa hơn trên lộ trình khôi phục hoàn toàn chương trình hạt nhân thì có nghĩa là thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran càng bị mất đi thêm hiệu lực trên thực tế và càng thêm khó có thể được cứu vớt.
Đối với phía Iran, việc này không những chỉ cần thiết mà còn có tầm quan trọng rất to lớn bởi đấy là đối sách công hiệu nhất của Iran đối phó việc Mỹ đơn phương rút khỏi thoả thuận nói trên và áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran.
Đối sách này được phía Iran coi là đương nhiên và không thể khác khi Mỹ không còn thực hiện cam kết và tuân thủ thoả thuận kia nữa.
Mỹ rút khỏi thoả thuận đã có kia bởi cho rằng nó không ngăn cản Iran phát triển đến mức có vũ khí hạt nhân, bởi muốn buộc Iran phải chấp nhận đàm phán cả về chương trình tên lửa của Iran và bởi đòi hỏi Iran phải thay đổi cơ bản chính sách đối với các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Cho tới nay, kết quả đáng kể duy nhất mà Mỹ đã đạt được là gây rất nhiều khó khăn cho Iran về kinh tế và thương mại cũng như về chính trị xã hội. Nhưng cái phản tác dụng đối với Mỹ là Iran từng bước khôi phục chương trình hạt nhân. Mỹ coi chương trình này là mối đe dọa an ninh lớn đối với Mỹ và đồng minh thì giờ không thể không thấy nguy cơ ấy đang ngày càng thêm tăng.
Hai bên leo thang đối đầu vì đều chủ ý dùng cương chế cương bởi nhiều lý do khác nhau. Họ hành xử thế còn bởi hiện thiếu vắng cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để đi vào hòa giải và thoả hiệp với nhau. Cho nên chừng nào còn bế tắc ý tưởng giải pháp, chừng đó họ còn tiếp tục leo thang đối đầu nhau.