Khuôn khổ diễn đàn này được thành lập năm 2014 bao gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine với mục đích tìm kiếm giải pháp cho tất cả các vấn đề liên quan đến diễn biến tình hình chính trị an ninh xã hội ở Ukraine và ở châu Âu liên quan đến Ukraine, cụ thể ở đây là xử lý vấn đề nội chiến và ly khai ở Ukraine cũng như vấn đề Crimea.
Tuy có cả Đức và Pháp tham gia, vai trò quyết định hơn cả trong hoạt động và kết quả của khuôn khổ diễn đàn này phụ thuộc chính vào Nga và Ukraine. Cuộc gặp cấp cao lần cuối cùng của Thể thức Normandy diễn ra năm 2016 tại Berlin (Đức).
Từ thời điểm ấy đến nay, trong khuôn khổ diễn đàn này vẫn có một vài cuộc gặp gỡ giữa các bên nhưng ở cấp thấp hơn và cũng chẳng đưa lại kết quả đáng kể gì. Các bên theo đuổi mục tiêu khác nhau với sự nhất trí thành lập và tham gia khuôn khổ diễn đàn này.
Đức và Pháp muốn tận dụng nó để vừa lôi kéo vừa thúc ép Nga thương thảo trực tiếp với Ukraine, cho dù không phải là đàm phán tay đôi. Hai nước này chủ ý gây dựng vai trò cho riêng họ nhưng cũng còn cho cả EU nữa trong việc giải quyết tất cả các vấn đề ở Ukraine và liên quan đến Ukraine. Nga dùng nó để phân hoá EU với Ukraine và chơi trò mèo vờn chuột với Ukraine. Còn Ukraine tận dụng nó để cùng EU khép Nga vào hành lang đàm phán, hạn chế Nga tự tung tự tác ở Ukraine.
Từ năm 2016 đến nay không có được cuộc gặp cấp cao nào trong khuôn khổ diễn đàn này vì tổng thống Nga Vladimir Putin không đồng ý ngồi cùng bàn thương thảo với tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Putin dùng sự cự tuyệt này để thể hiện thái độ về những quan điểm chính sách thù địch Nga của ông Poroshenko. Nhưng trong thời gian vừa qua đã có những chuyển biến rất đáng chú ý ở trong EU và ở Ukraine.
Ông Poroshenko đã thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine và người kế nhiệm là Volodymyr Zelensky theo đuổi chủ trương xử lý dứt điểm và ổn thoả chuyện nội chiến và ly khai ở Ukraine nên chủ động nỗ lực cải thiện quan hệ của Ukraine với Nga và gây dựng mối quan hệ trực tiếp với cá nhân ông Putin.
Ở Pháp cũng có tổng thống mới và người này theo đuổi tham vọng chính trị lớn cho nước Pháp và cá nhân mình nên cũng rất chủ động nỗ lực khôi phục hoạt động của khuôn khổ diễn đàn này ở cấp cao nhất.
Cơ hội có được sự khởi động mới cho khuôn khổ diễn đàn này được củng cố khi ông Zelensky đáp ứng hai điều kiện của ông Putin. Điều kiện thứ nhất là chính phủ Ukraine phải dành cho hai khu vực ly khai chống chính phủ ở Ukraine những quyền tự trị sâu rộng ngay sau khi tiến hành cuộc bầu cử chính quyền địa phương ở đó.
Điều kiện thứ hai là rút quân đội Ukraine ra khỏi vùng giao tranh vũ trang với lực lượng vũ trang ly khai nổi dậy chống chính phủ. Giữa ông Zelensky và ông Putin còn đã có một vài lần điện đàm trực tiếp với nhau. Nga và Ukraine đã trao trả tù nhân và Nga đã thả 3 tàu chiến của Ukraine bị hải quân Nga bắt giữ. Những biểu hiện thiện chí này ở cả hai phía không chỉ tạo bầu không khí chính trị và dư luận thuận lợi cho những chuyển biến tiếp theo mà còn dọn dẹp hết mọi trở ngại để có được cuộc gặp cấp cao mới giữa 4 bên.
Theo phía Pháp, cuộc gặp này sẽ diễn ra ở Paris vào ngày 9/12 tới. Đấy sẽ là lần dầu tiên ông Putin và ông Zelensky gặp nhau. Ngoài những cuộc trao đổi ở diện rộng bao gồm tất cả 4 bên, nhiều khả năng sẽ có cả cuộc gặp riêng giữa ông Putin và ông Zelensky với nhau. Cho nên mới nói là cơ hội khởi động mới cho khuôn khổ diễn đàn này đồng thời cũng còn là cơ hội khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa Ukraine và Nga.