Thủ tướng đương nhiệm của đảo quốc này, ông Boris Johnson, đã chẳng khác gì cầu được ước thấy và đến được bến bờ của mong ước khi Đảng Bảo thủ Anh giành về thắng cử vang dội và kiểm soát được quốc hội mới. Đa số áp đảo này trong quốc hội mới giúp ông Johnson giờ có thể vận hành giai đoạn cuối cùng của chuyện Brexit theo ý mình.
Điều có thể chắc chắn là nước Anh sẽ chính thức ra khỏi EU vào ngày 31/1/2020 hoặc thậm chí còn có thể sớm hơn thế và nước Anh sẽ ra khỏi EU với hay không với thoả thuận đã đạt được về Brexit giữa chính phủ Anh và EU.
Phải sau đấy, người Anh mới thấm trải cụ thể tác động của Brexit và mới có thể so sánh được mức độ tích cực với mức độ tiêu cực của tác động ấy. Nhưng hiện tại đã có thể nhận diện ra được hai hệ lụy rất tai hại đối với nước Anh trong thời gian tới và đấy cũng là hai thách thức lớn đối với ông Johnson trong nhiệm kỳ trị vì đảo quốc này mà hiện không ai dám chắc là ông Johnson sẽ dẫn dắt nước Anh vượt qua được.
Thứ nhất là sự phân rẽ sâu sắc và trầm trọng trong nội bộ xã hội và trên chính trường. Sự phân rẽ này chẳng khác gì một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội thật thụ ở Anh, làm cho chuyện Brexit sẽ vẫn còn là cơn ác mộng dài dài đối với đảo quốc này.
Thứ hai là mối quan hệ giữa xứ Scotland và Bắc Ireland với phần còn lại của vương quốc này. Trong thỏa thuận về Brexit giữa EU và chính phủ Anh có quy định áp dụng cho Bắc Ireland, nhưng có thể biến động sau thời kỳ quá độ và không ai có thể biết khi ấy rồi sẽ như thế nào. Còn xứ Scotland đã ngay lập tức sau bầu cử tuyên bố sẽ lại tiến hành một lần nữa cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập riêng cho Scotland. Lần trước, đa số mong manh cử tri Scotland không đồng ý ly khai. Nhưng sau Brexit thì kết quả trưng cầu dân ý sẽ rất khác. Cả chuyện này cũng là ác mộng đối với phe thắng cử sau bầu cử.